From: Tan Huynh Le Viet
Sent: Saturday, October 24, 2009 3:28 PM
Đọc tâm sự của anh Đức sao tôi thấy buồn cho anh thì ít nhưng trách anh thì nhiều, cũng như anh Tran Dinh Hoang Hung đã phân tích để sự việc đến nỗi như ngày hôm nay thì đâu lỗi chỉ một phía vợ anh.
Là nhà khoa học nên cách hành văn của anh thật khéo, nỗi đau của anh nghe nhẹ nhàng nhưng xót xa. Anh sử dụng triết lý để nói về hoàn cảnh của gia đình anh, của vợ anh. Nhưng anh quyên rằng lý thuyết không phải lúc nào cũng áp dụng được với thực tế. Con người thì có hai mặt sống theo “Bản năng” và “Lý trí”. Liệu anh có tin tưởng quá vào lý thuyết, học thuật chăng.
Lỗi của vợ anh phát sinh từ đâu. Anh thấy cái sai của vợ nhưng không góp ý để cô ấy nhận ra mà chỉnh sửa. Thừa nhận rằng bản chất của vợ anh bắt nguồn từ sự nuông chiều thái quá của gia đình, nhưng cũng đâu phải là hết thuốc chữa vì “mưa dầm thấm lâu”. Anh chọn sự im lặng để gia đình yên ấm là sai lầm để dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Nếu anh cương quyết và là người đàn ông, người chủ gia đình đích thực thì liệu vợ anh có dám hành động như anh kể.
Anh cho rằng vợ anh chỉ biết tiền, chỉ cần vuốt ve âu yếm, sống không có lý trí theo kiểu “bầy đàn” như loài cấp thấp hơn… Tôi không tin điều đó vì nếu vậy cô ta chẳng ngoại tình với người đàn ông thua kém anh về mọi mặt từ tiền – tài – thể xác. Theo tôi biết thì một người phụ nữ không dễ dàng gì từ bỏ gia đình hạnh phúc, con ngoan để đến với một người đàn ông thua chồng mình về mọi mặt. Anh cũng biết vợ anh là dạng người phụ nữ xưa nay hiếm đã ngoại tình mà còn dám nói với chồng "tôi có bỏ anh đâu, làm gì mà phải... buồn như thế". Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà vợ anh dám nói với chồng mình như thế và cô ta yêu người ấy vì cái gì chắc anh đã rõ.
Anh nói giao thiệp rộng, anh thương vợ con. Vậy thời gian anh dành cho vợ cho con được bao nhiêu, còn thời gian anh đi làm, đi công tác và giao thiệp bàn bè… Anh cũng cần xem lại tại sao cô ấy không muốn anh tiếp xúc với bạn cô ấy vì “họ ngại tiếp xúc do tôi "cao" quá, khó nói”. Có khi nào anh đã nghĩ đến sự chênh lệch về tuổi tác, học vấn giữa anh với vợ, hay do trong giao tiếp anh quá chau chuốt lời ăn tiếng nói làm mất đi tính chân thật, nên khó gần, đặc biệt là cách giao tiếp giữa sếp – lính không thể áp dụng được cho mối quan hệ vợ - chồng, bè bạn.
Khi cuộc hôn nhân không hạnh phúc dẫn đến kết quả đau lòng nhất là chia tay, nhưng cái khó làm con người ta suy nghĩ nhiều nhất khi ly hôn thì con cái sẽ khổ. Vậy thì tại sao không ngồi lại cùng trao đổi thẳng thắn giưa vợ - chồng thay vì răn đe – cảnh cáo, hay vợ chồng cùng tìm đến chuyên viên tư vấn một lần thử xem.
Trên đây là vài dòng suy nghĩ của tôi về trường hợp của anh, mong anh bình tâm mà suy nghĩ lại. Ở đời “Nhân vô thập toàn”, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, giải pháp anh cũng đã có như trước khi quyết định cuối cùng thì tôi khuyên anh nên xem xét lại mối quan hệ nhân – quả anh nhé.
Chào anh.