Sáng 10/3, Hội nghị lần hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình, trong 3 ngày làm việc (đến 12/3), Trung ương Đảng sẽ bàn về chương trình làm việc toàn khóa; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020); giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước và một số vấn đề khác.
Phát biểu khai mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Đại hội XII, Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước, thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho kiện toàn các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Vì thế, tại hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đại biểu cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội Đảng thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung; cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện cho phép. Căn cứ tiêu chuẩn chung của cán bộ, khi xem xét nhân sự, Trung ương cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Nhấn mạnh thời gian hội nghị không nhiều, công việc rất khẩn trương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến. Ông yêu cầu hội nghị ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, cần tháo gỡ, các nhiệm vụ trọng yếu, như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đổi mới mô hình tăng trưởng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc...
Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra vào cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương Đảng XI giới thiệu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội.
Dự kiến trong kỳ họp cuối cùng (21/3-9/4), Quốc hội khóa 13 sẽ dành nửa thời gian để xem xét, bầu các chức danh trên theo thẩm quyền.
Xuân Hoa