Thông tin được Văn phòng Trung ương Đảng cho biết trong thông cáo chiều 16/5 về ngày làm việc đầu tiên Hội nghị Trung ương 9 khóa 13.
Theo quy định 214 của Ban Chấp hành Trung ương, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Chủ tịch nước phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có phẩm chất, năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt như đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng.
Chủ tịch Quốc hội phải hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; có uy tín cao, quyết liệt trong lãnh đạo, có năng lực nổi trội.
Trước đó ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Một ngày sau, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Võ Văn Thưởng. Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Ngày 2/5, Quốc hội thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Vương Đình Huệ. Trước đó, Trung ương họp bất thường đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng cá nhân.
Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 dự kiến diễn ra trong ba ngày 16-18/5. Tại hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn về đề cương các văn kiện trình Đại hội 14, chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 và một số vấn đề quan trọng khác.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 sẽ khai mạc ngày 20/5.