-
18h30
VnExpress nêu câu hỏi, vừa qua Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Công an và Thượng tướng Trần Việt Tân - nguyên Thứ trưởng Công an; giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với các cán bộ này bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định. Vậy quy trình kỷ luật hành chính đã được tiến hành như thế nào?
Ông Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Công an cho hay, từ 24/7, lãnh đạo Bộ đã kiểm điểm nghiêm túc, đề xuất hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền lên Bộ Chính trị, Chính phủ. Sau đó Bộ Chính trị quyết định hình thức kỷ luật với các cán bộ trên. "Tôi được biết Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp bàn, đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm minh", ông Nam nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, với Thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016, "khi đã cách chức này thì tức là sẽ không còn nguyên thứ trưởng Công an; còn việc giáng cấp bậc hàm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng sẽ trình Chủ tịch nước việc này theo đúng quy định của Luật Công an Nhân dân".
Trường hợp Trung tướng Bùi Văn Thành, Bộ Chính trị đã cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 - 2015), "như vậy đương nhiên Trung tướng Bùi Văn Thành sẽ không còn là Thứ trưởng Công an; còn việc giáng cấp bậc hàm thì Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng sẽ trình Chủ tịch nước".
"Như vậy công việc này đang được tiến hành theo đúng quy trình và sẽ sớm công bố để nhân dân biết", ông Mai Tiến Dũng nói.
-
18h15
"Sẽ khôi phục được dữ liệu gốc điểm thi"
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có thể trả lại điểm thi gốc cho các thí sinh ở Sơn La được hay không, nếu không đưa về điểm thi gốc thì sẽ xử lý thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết, các cơ quan điều tra đang vào cuộc quyết liệt. Ông Độ bày tỏ tin tưởng sẽ khôi phục được dữ liệu gốc điểm thi của các thí sinh ở Sơn La. “Căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp đảm bảo công bằng cho các thí sinh”.
Phóng viên nêu băn khoăn, Bộ Giáo dục vừa qua yêu cầu 63 tỉnh, thành tự rà soát kết quả thi nhưng nhiều tỉnh báo cáo không có gì bất thường; nếu tới đây còn địa phương có dấu hiệu bất thường thì Bộ Giáo dục xử lý thế nào?
Ông Độ nói kết quả chấm thẩm định các địa phương được coi là kết quả cuối cùng. “Nếu phát hiện sai phạm tiếp thì Bộ sẽ yêu cầu địa phương chủ động làm việc với công an địa phương đó để xử lý đúng người, đúng tội và đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh. Quan điểm là không có vùng cấm”, ông Độ khẳng định.
Theo Thứ trưởng Giáo dục, với các cán bộ vi phạm ở cấp Sở, theo phân cấp quản lý thì UBND tỉnh, thành sẽ xử lý, kỷ luật.
“Năm tới, chúng tôi sẽ rà soát quy trình, khâu coi thi, chấm thi, nâng cao nghiệp vụ, năng lực, đạo đức, phẩm chất của các bộ chấm thi, coi thi. Quy trình đúng nhưng con người mà cố tình làm sai thì khó khăn”, ông Độ trả lời về câu hỏi biện pháp tránh xảy ra sai phạm ở kỳ thi THPT năm sau.
Đồng thời, ông Độ cho biết Bộ đang hoàn thiện phần mềm để đối tượng có ý đồ làm xấu cũng khó làm được. Hướng tới, chấm trắc nghiệm thì có thể chấm theo cụm thi, tỉnh này chấm bài thi của tỉnh khác.
-
17h50
Thủ tướng nêu 3 vấn đề về kỳ thi THPT Quốc gia
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nêu ba vấn đề về kỳ thi THPT Quốc gia. Đầu tiên, Chính phủ khẳng định thái độ cương quyết trong xử lý các vi phạm, giao Bộ Công an và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; qua đó lấy lại lòng tin của người dân.
Thứ hai, Thủ tướng giao Bộ trưởng Giáo dục rà soát tất cả các phương án thi THPT quốc gia, trong đó có cả phương án giao tự chủ cho các trường cao đẳng, đại học; báo cáo kết quả rà soát lên Chính phủ, Thủ tướng để cấp có thẩm quyền quyết định sau. Hiện Chính phủ chưa bàn để quyết định thi hình thức nào mà tiếp tục thực hiện đúng luật, "có học có thi, đảm bảo thực chất và đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện".
Nội dung tiếp theo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin "thi THPT Quốc gia là vấn đề lớn, cùng với chỉ đạo xử lý kiên quyết của Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ lần này, Bộ trưởng Giáo dục đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về tiêu cực trong kỳ thi vừa qua".
-
17h35
Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm
Liên quan đến các tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia vừa qua, Thủ tướng cho rằng sự cố này ảnh hưởng đến niềm tin xã hội rất lớn, do đó các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý rốt ráo, quyết liệt.
“Không phải Chính phủ vì bệnh thành tích mà bỏ qua việc này. Chúng tôi xem xét việc thi Trung học phổ thông và thi Đại học một cách nghiêm túc, kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân”, Thủ tướng khẳng định.
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Về gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, ông Nhạ đánh giá là rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc với tinh thần nghiêm minh.
“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
-
17h30
Trong hai ngày 31/7 và 1/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.
Lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%.
“Đây là mùa cao điểm, nhất là khách trong nước hết sức nhộn nhịp. Tôi cùng các Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng đi dự, chủ trì Hội nghị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) thì thấy không khí rất tấp nập”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, còn một số yếu kém, khó khăn và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, bàn kỹ giải pháp. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhất là nông nghiệp, ngay sát Hà Nội cũng ngập úng kéo dài.
Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, theo Thủ tướng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra...
Ông đề nghị tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương phối hợp xử lý. “Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chiều nay 1/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo để thông tin về phiên họp thường kỳ của Chính phủ.