Nhưng sau khi thành phố Hội An tổ chức hội thảo, nghe báo cáo các phương án khả thi, trong đó có sự phân tích, đánh giá của chuyên gia bảo tồn đến từ Nhật Bản, thì phương án "trùng tu hạ giải" được lựa chọn.
Đến nay, sau 19 tháng trùng tu, những lo lắng mơ hồ ban đầu của giới chuyên gia đã hiện hình rõ ràng qua sự xì xào của công chúng. Dự kiến, đến 3/8, công trình trùng tu Chùa Cầu sẽ được khánh thành, nhưng mấy ngày qua, tôi đã nghe râm ran những lời chê trách: Chùa Cầu đã bị tu sửa sai cách, bị "trẻ hóa"; và rằng người ta đã phá hỏng một biểu tượng của Hội An, một di sản văn hóa của nhân loại...
Là người đã công tác trong lĩnh vực khảo cổ học và bảo tồn di tích gần 20 năm; từng đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét, và đã quan sát rất kỹ các hình ảnh chụp chi tiết Chùa Cầu trước và sau trùng tu, tôi cho rằng: Chùa Cầu đã được tu bổ bài bản, khoa học, đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi, kiên cố hơn.
Phương án trùng tu hạ giải theo tôi là một lựa chọn sáng suốt. Sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Chùa Cầu đã hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc... khiến cho tổng thể biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, công trình có thể sụp đổ, nhất là khi mưa bão.
Phương án trùng tu hạ giải cho phép xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường nhằm tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu.
Nếu lựa chọn "tu bổ từng phần" sẽ không giải quyết rốt ráo các chứng bệnh thâm niên của Chùa Cầu, như sáu lần trùng tu trước đây.
Tu bổ từng phần nôm na là "hư đâu sửa đó", thường được chọn để tu bổ các di tích tại quần thể kiến trúc triều Nguyễn ở cố đô Huế. Nhiều công trình quan trọng trong quần thể di tích cố đô Huế do các đơn vị tu bổ địa phương và từ trung ương cử vào giúp Huế tu sửa trong thập niên 1980 đều áp dụng phương án này, với mục đích chống xuống cấp và bảo vệ cấp thời di tích là chính.
Nguyên nhân là bấy giờ ngân sách dành cho bảo tồn di tích ở Huế rất hạn hẹp; ngoài ra, đội ngũ trùng tu cũng chưa tiếp cận được các phương án tiên tiến và các giải pháp kỹ thuật thích hợp để tôn tạo. Vì thế, các di tích được trùng tu theo kiểu "hư đâu sửa đó" chỉ sau một thời gian ngắn lại tiếp tục xuống cấp, dột nát, cơ quan quản lý lại phải lập dự án, xin ngân sách để tái tu bổ.
Trong khi đó, giải pháp trùng tu hạ giải thể hiện ưu thế vượt trội.
Người Nhật là bậc thầy về bảo tồn kiến trúc bằng gỗ. Phần lớn công trình kiến trúc ở Nhật Bản đều làm từ gỗ, chủ yếu là gỗ thông, gỗ bách... Vì thế, họ có hàng trăm năm kinh nghiệm để sửa chữa các di tích này. Và phương án tối ưu mà họ sử dụng và phổ biến ra thế giới là trùng tu hạ giải định kỳ. Chẳng hạn, đền Thần đạo Ise ở tỉnh Mie, cứ mỗi 20 năm, người Nhật hạ giải toàn bộ để đại trùng tu; hay đền Izumo Taisha, thánh địa của Thần đạo ở tỉnh Shimane, nơi tôi theo học nghề khảo cổ và bảo tồn di tích, thì cứ 60 năm phải hạ giải để sửa từ nền đến mái. Nhờ thế các di sản văn hóa quan trọng này của Nhật Bản mới được bảo tồn nguyên vẹn từ lúc khởi lập đến nay.
Tuy nhiên, do trùng tu hạ giải thường phải mất công nghiên cứu, tốn thời gian và kinh phí hơn, nên những nước nghèo ít áp dụng.
Năm 1995, Hữu Tùng tự (lăng vua Minh Mạng) được tài trợ ngân sách để trùng tu. Đội ngũ chuyên gia từ Đại học Nihon (Nhật Bản), do GS.TS.KTS Shigeeda Yutaka làm trưởng nhóm, với sự cố vấn của thợ cả Takeshi Tanaka (là "nhân gian quốc bảo" của Nhật Bản) được cử đến Huế để hỗ trợ. Nhóm chuyên gia Nhật Bản kiến nghị với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lựa chọn phương án trùng tu hạ giải và được chấp thuận.
Sau hơn ba năm trùng tu, Hữu Tùng tự đã được tái hiện với hình hài cũ và vững chãi hơn nhiều, trở thành khuôn mẫu để Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham khảo và thực hành các dự án khác như: Sùng Ân điện, Bi đình, Hiển Đức môn (lăng vua Minh Mạng), Biểu Đức điện, Hồng Trạch môn (lăng vua Thiệu Trị), Ngưng Hy điện, Tả Hữu tùng tự (lăng vua Đồng Khánh)... trong thập niên 2000 - 2010. Hiện nay, tất cả di tích trong quần thể di tích Huế khi tôn tạo đều thực hiện theo phương án này, điển hình là Chiêu Kính điện và Thái Hòa điện (Hoàng Thành), hay Hòa Khiêm điện và Minh Khiêm đường (lăng vua Tự Đức)... đang trong quá trình trùng tu.
Vậy những yếu tố gì cần đảm bảo trong quá trình trùng tu di sản?
Để thực hiện phương án "trùng tu hạ giải" cần phải nghiên cứu di tích rất kỹ lưỡng trước khi lập phương án, nhằm bảo đảm tính chân xác (authenticity) của di sản vẫn được duy trì sau quá trình tu bổ.
Theo Văn kiện Nara (Nara Document on Authenticity) được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO thông qua tại Hội nghị Nara tổ chức tại Nhật Bản tháng 11/1994, thì "tính chân xác" đòi hỏi cả ý tưởng thiết kế, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị của nó... được bảo đảm trong quá trình bảo tồn các di tích".
Văn kiện Nara về tính chân xác 1994 cũng đưa ra khái niệm về "Giá trị cấu thành di sản" ở Mục 6 (Đa dạng di sản văn hóa tồn tại theo thời gian và không gian) và Mục 9 (Hình thức và thiết kế, vật liệu và vật chất, phương thức sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và khung cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong và bên ngoài khác). Theo đó, di sản văn hóa có những giá trị bắt nguồn từ cộng đồng sản sinh ra nó, được kế thừa và phát triển, không phải bất biến, mà được bảo tồn bởi cộng đồng dựa trên tính chân xác và được cộng đồng bảo lưu và xác nhận.
Điều này rất quan trọng, vì nó cho phép di sản văn hóa được tái tạo thích ứng với bối cảnh mới, vật liệu mới (vì vật liệu truyền thống chưa chắc tồn tại trong hoàn cảnh đương đại vì nhiều lý do khách quan)... nhưng di tích vẫn giữ được hình hài, diện mạo, kết cấu, kỹ thuật truyền thống, màu sắc và hồn cốt. Vì thế, trong quá trình tháo dỡ cho đến khi tái dựng và hoàn thiện trùng tu theo phương án này, mọi hoạt động đều được nghiên cứu, thực hiện bài bản, đúng quy trình và phải tận dụng tối đa vật liệu cũ, phải tái lập di tích đúng với kích thước, hoa văn, họa tiết, màu sắc... của nguyên bản.
Đối với Chùa Cầu, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết: "Gần 60% khối lượng gỗ, 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái... được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ". Điều này cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện tốt các quy trình và giữ lại tối đa hình hài di tích.
Người ta xôn xao vì Chùa Cầu bây giờ mới quá, trẻ quá, tươi tắn quá - theo tôi là một phản ứng tưởng là dễ hiểu, nhưng ngẫm kỹ, lại đầy mâu thuẫn, nếu không nói là bất khả thi với các dự án được trùng tu.
Hồi năm 1997-1998, khi tu nghiệp ở Nhật Bản, tôi được cử theo sát (để nghiên cứu, học tập) đội ngũ chuyên gia đang trùng tu di tích Suzakumon (Chu Tước môn), cửa chính phía nam của Heijo-kyo ở cố đô Nara.
Ðó là một kiến trúc bằng gỗ, hai tầng nhưng đã bị thời gian và những cuộc chiến tranh tiêu hủy hoàn toàn. Người Nhật phát hiện nền móng phế tích này năm 1918 và bắt đầu nghiên cứu để phục hồi. Năm 1993, họ quyết định phục nguyên Suzakumon. Thật khó để xác định diện mạo của Suzakumon vì không còn dấu tích cấu trúc nào còn sót lại. Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu và những phát hiện khảo cổ học, Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa Quốc gia Nara đã đề xuất mô hình phỏng đoán, dựa trên kiến trúc tương đương ở nơi khác, lấy ý kiến công khai của các chuyên gia bảo tồn học, sử học, kiến trúc học, dân chúng... Đề án trùng tu phế tích Suzakumon được thực hiện với tổng kinh phí là 3,6 tỷ yên (xấp xỉ 360 tỷ đồng vào thời điểm đó). Sau hơn 5 năm tiến hành, đến nay di tích Suzakumon đã được tái thiết.
Sau khi phục nguyên, Suzakumon cũng tái hiện với màu sắc rực rỡ và lộng lẫy, mà không bị người Nhật phê bình là "trẻ quá".
Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu rồi sẽ "trầm lại" chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả.
Trần Đức Anh Sơn