Đây thật sự là một chuyện lạ bởi Trung thu nơi này năm nào cũng tổ chức rất náo nhiệt. Khác với các thành phố lớn, Trung thu được xác định là lễ hội của thiếu nhi, ở miền quê này, Trung thu là lễ hội của toàn dân.
Không khí thường sẽ vô cùng náo nhiệt, nhiều xe tải nhỏ, trang trí bằng những lồng đèn khổng lồ, chở mấy thanh niên gõ trống tưng bừng, từ từ lăn bánh trên các ngả đường. Bên lề đường cứ một đoạn lại mấy nhà chung nhau bày bàn tiệc, đèn đuốc sáng trưng, người lớn tụ tập ăn uống, hát hò.
Ở nhà văn hóa thôn, các cháu tập trung xem diễn tích trò chú Cuội, chị Hằng và nhận quà, các cơ quan thì tổ chức sân khấu cho con cái nhân viên đến dự...
Nhưng năm nay tất cả những náo nhiệt bề nổi đó đã không diễn ra. Bão lũ ở tỉnh bạn quá thương tâm, mọi người hàng ngày hàng giờ cập nhật thời sự đều rõ, nên tự nhiên đều chung sự đồng cảm. Trong công việc hàng ngày, tôi thấy đã bớt đi những cười đùa, nhiều thêm những chia sẻ. Khi Trung thu cận kề, tự nhiên tất cả bớt háo hức.
Nên khi có chỉ thị của Tỉnh về việc không tổ chức Trung thu như mọi năm, phần lớn đều ủng hộ. Bệnh viện nơi tôi làm không tổ chức sân khấu đón trăng như mọi năm, mà chia quà để bố mẹ mang về cho con. Trường học chỉ phát quà cho học sinh. Ở chợ, sát ngày hội, các bố mẹ dẫn con đi mua mấy cái đèn lồng...
Ở Hà Nội, các điểm công cộng không tổ chức hoạt động vui chơi. Nhưng phố Trung thu chính là Hàng Mã, Hàng Lược vẫn đông người mua sắm, chụp ảnh dù có vẻ không náo nhiệt bằng mọi năm. Trên phố các quầy bánh Trung thu, như thông lệ, vào tầm này đang giảm giá để bán nốt. Trong các ngõ phố, không thấy cảnh ông tổ trưởng dân phố và đoàn thanh niên tất bật căng đèn tổ chức đêm trăng rằm nữa.
Người lớn có ý này ý nọ, bộc lộ trên mạng xã hội. Một vài ý kiến không đồng ý hạn chế vui chơi. Vì ngoài chuyện tổ chức Trung thu ra, còn nhiều hoạt động giải trí khác đã lên kế hoạch từ trước bão, nếu bây giờ hoãn lại sẽ thiệt hại về kinh tế... Số lượng ý kiến đó không phải nhiều, nhưng được nói bằng giọng khá gay gắt, khiến tôi phải để tâm xem hết. Các lập luận này tựu trung là: người mất thì đã mất rồi, thương xót lúc này cũng không thay đổi được. Trong khi đó, cần nhanh chóng đưa xã hội trở lại hoạt động bình thường, để hồi phục kinh tế. Có ý kiến thậm chí còn viện dẫn luật, là trừ khi quốc tang mới có quyền cấm vui chơi...
Đó cũng là một chiều thông tin nữa của xã hội mà chúng ta không thể bỏ qua. Đúng là trước một sự kiện, bao giờ cũng có nhiều góc nhìn. Mọi tranh luận không phải để thắng thua mà là dẫn đến sự điều chỉnh của các bên, sao cho hành động sau đó được lòng của đa số.
Một sự mất mát khi xảy ra, thì thân nhân của người đã mất là đau lòng nhất. Chúng ta tùy vào mối quan hệ, tùy vào sự tương đồng hoàn cảnh, mà có thể thấy phần nào nỗi đau. Nếu trực tiếp đi vào vùng thiên tai, chỉ cần nhìn thấy cảnh tan hoang, nghe thấy những tiếng khóc, ta sẽ xúc động bật khóc theo. Nhưng dù không trực tiếp đến tận nơi, thì những mất mát ấy vẫn lay động sâu trong tim ta, qua mối liên hệ đồng bào đồng tộc.
Nói như thế để thấy hiện nay cả hai luồng ý kiến, hạn chế hay không hạn chế vui chơi, đều có những điểm tựa lý lẽ khá thuyết phục. Từ trong sâu thẳm, tôi thấy cả hai phía đều đang mắc ở một điểm, chưa thoát được ra. Đó là làm sao kết thúc sự kiện đau thương này một cách phù hợp nhất, để người mất không bị lãng quên, để người còn tiếp tục xây dựng lại cuộc sống.
Từ bài học trong quá khứ, khi tạm khống chế được dịch Covid 19, chúng ta đã tổ chức một lễ tưởng niệm trong cả nước, chính thức khép lại sự kiện đau buồn ấy và bước sang việc mới, là khôi phục kinh tế. Với cơn bão Yagi, số người thiệt mạng tuy không nhiều bằng nhưng cũng là rất lớn so với lịch sử thiên tai của Việt Nam. Vì thế một hình thức tổ chức tưởng niệm với quy mô phù hợp, để người dân cả nước một lần nữa bày tỏ sự chia sẻ đau thương là điều nên cân nhắc, để rồi sau đó, cả nước bắt tay vào hỗ trợ đồng bào tái thiết.
Nếu không có một lễ tưởng niệm chính thức ở tầm quốc gia, tôi thấy lòng người vẫn lấn cấn. Sự mất mát lần này là quá lớn, khó có thể để nó tự lắng xuống và tan đi.
Mang sự lấn cấn đó trong lòng, tôi nghĩ một chút hạn chế vui chơi lúc này không hề là thừa vì nó sẽ dạy cho con em chúng ta biết đồng cảm với nỗi đau của đồng bào.
Quan Thế Dân