Trung tâm xây trên khu đất rộng hơn 500 m2, thuộc phường Trung Đô, TP Vinh. Dự án được đầu tư theo chương trình phát triển văn hóa thể thao, tổng vốn gần 70 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành không quá 5 năm tính từ ngày khởi công.
Công trình mang ý nghĩa bảo tồn và phát huy dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh năm 2014.
Dự án gồm khối nhà hành chính phục vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và các phòng phụ trợ. Giai đoạn một, chủ đầu tư làm tòa nhà 5 tầng phục vụ nghệ sĩ biểu diễn, các hạng mục điện nước, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Giai đoạn hai sẽ hoàn thiện sân vườn, cảnh quan, trang thiết bị, âm thanh ánh sáng...
Năm 2021, "phần vỏ" dự án gồm nhà hành chính, hệ thống cấp điện nước xây lắp đã xong, "phần ruột" là các hạng mục phụ của giai đoạn hai chưa được phê duyệt vốn. Vì thế từ đó đến nay trung tâm để không, chưa thể đưa vào sử dụng.
Công trình nằm giữa "khu đất vàng" tại TP Vinh, có quốc lộ 1 chạy qua, gần trường đại học và một số cơ quan nhà nước. Hiện bên ngoài tòa nhà chính trang trí bởi kính và tấm ốp có nhiều chỗ đã hư hỏng. Gạch, đá ốp bị vỡ, tường nứt thấm nước, xuất hiện rêu mốc. Các cột đèn gỉ sét.
Xung quanh có nhiều khối bê tông để ngổn ngang, cỏ dại mọc mum tùm, bờ rào được quây tấm tôn tạm bợ. Tại vị trí mặt tiền trung tâm, người dân xây ki-ốt kinh doanh. Phía sau tòa nhà chính một số hộ đã tận dụng đất trống nuôi gà.
Lý giải việc chậm trễ hoàn thành dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An, cho biết năm 2017 phần vốn từ Trung ương vướng một số nghị quyết nên chưa cấp kịp. Đầu năm 2020, dự án gấp rút thi công hoàn thiện thì Covid-19 xuất hiện phải giãn cách xã hội nhiều tháng, gây ảnh hưởng tiến độ.
Bà Trịnh Hồng Lựu, quyền Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, đơn vị thụ hưởng dự án, cho biết ngoài chưa được cấp vốn giai đoạn hai thì nhiều năm qua dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng. Trước đây có một hộ dân sống gần công trình phản ánh tiền bồi thường, gần đây đã đền bù xong. Với 3-4 ki-ốt trước mặt tiền, hiện vài cá nhân ngỏ ý mượn tạm để kinh doanh, sắp tới trung tâm sẽ yêu cầu họ giải tỏa.
Bà Lựu chia sẻ trung tâm có hơn 100 người, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như ca, múa, kịch... Trụ sở hiện tại đã cũ, chật chội, các nghệ sĩ phải tập chung một phòng. Vì thế trung tâm rất mong cơ sở mới sớm hoàn thành để chuyển gần 60 nhân sự của bộ phận bảo tồn dân ca ví giặm về đó hoạt động.
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, cho biết vừa qua Sở đã làm đề xuất lên tỉnh để xin vốn đầu tư giai đoạn hai. Các cơ quan tài chính, kế hoạch đang phối hợp tham mưu thẩm định số vốn. Khi điều chỉnh xong vốn mới làm đấu thầu, chọn đơn vị thi công để hoàn thiện công trình.