![]() |
Bà Yến đang kể về cuộc sống ở Khu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: M.T. |
Ông bà Trung - Nhị là hai trong số gần 100 cụ đăng ký ở tại khu dưỡng lão vĩnh viễn đến cuối đời, trong đó có người là Việt kiều Mỹ và Canada. Những người được gửi vào trung tâm thường có hoàn cảnh không giống nhau như: neo đơn, con cái bận làm ăn không có thời gian chăm sóc, muốn có một nơi yên tĩnh dưỡng già...
Giám đốc trung tâm Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, đây là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tự nguyện đóng phí đầu tiên ở Hà Nội, được thành lập vào tháng 4/2001. Sống ở trung tâm, các cụ được chăm sóc tận tình chu đáo. Với mức đóng trung bình từ 1,5 đến 3,5 triệu đồn mỗi tháng, các cụ được phục vụ 3 bữa ăn chính và một bữa ăn phụ.
Hằng ngày, họ được xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, tập luyện tùy theo tình trạng sức khoẻ mỗi người. Buổi chiều, các cụ được đưa đến sân tập, sinh hoạt tập thể, mỗi người một việc, người đọc báo, người thư giãn. Khi có nhu cầu, mỗi người chỉ cần nhấn chuông là các y tá có mặt tại chỗ.
Bà Nguyễn Thị Yến, 80 tuổi, tập thể Nam Đồng, Hà Nội, được gọi là "cựu an dưỡng viên" vì là một trong 3 người đầu tiên vào đây khi trung tâm bắt đầu hoạt động. Điều đặc biệt là mỗi năm bà Yến chỉ vào trung tâm ở 3 tháng.
Bà bộc bạch: "Ngày thường, các con đi làm, các cháu đi học hết, mình phải ở nhà trông nom nhà cửa và nấu nướng đỡ đần chúng nó. Đến lúc các cháu nghỉ hè, bà muốn có thời gian nghỉ ngơi nên vào đây ở, coi như đi nghỉ mát". Bà cho biết lần nào ở đây về cũng béo, khoẻ hơn vì được ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và thoải mái tinh thần.
Còn bà Bùi Thị Kim ở khu tập thể quân đội ở Xuân La, Tây Hồ, tâm sự: "Dẫu sao ở nhà vẫn thích hơn. Nhưng các con đi làm từ sáng đến tối, chả có ai bầu bạn, suốt ngày nghe cái vô tuyến nói cũng chán". Bà bị cao huyết áp, các con không yên tâm để mẹ ở nhà một mình nên gửi gắm trung tâm chăm sóc.
Cụ Đặng Thị Tín ở Hải Phòng, năm nay đã 85 tuổi, cũng "định cư" ở trung tâm được 3 năm. Sau khi chồng mất, các con cụ đều công tác ở Hà Nội, không muốn mẹ sống một mình nên đón lên ở cùng.
"Ở trong nhà cả ngày, chật chội, bí bách lắm, tôi sống không quen. Tối con cháu về toàn nói chuyện công tác, mình lạc hậu chả biết gì mà tham gia. Thôi thì vào đây, tuy thỉnh thoảng cũng buồn vì nhớ con cháu nhưng còn có người chuyện trò" - cụ Tín nói.
Chị Tuyết ở Láng Hạ, Hà Nội cũng đưa mẹ vào Khu chăm sóc người cao tuổi vì bà cụ bị bệnh khó thở mà không có ai ở nhà. Đưa cụ vào đây lúc nào cũng có y bác sĩ chuyên môn chăm sóc chu đáo nên cả nhà yên tâm hơn.
Chăm sóc người già không phải là việc đơn giản. Theo chị Phạm Thu Trang, y sĩ Đông y làm việc tại trung tâm, làm việc này cần nhất là chữ tâm, sự nhã nhặn và kiên nhẫn. Người già hay tủi thân, mỗi người một tính. Có cụ rất hay cáu, có khi còn mắng chửi và đánh cả nhân viên. Nhưng chị Trang biết, những cụ như thế thường là không còn người thân hoặc cuộc sống gia đình gặp nhiều bất hạnh nên cố gắng để các cụ vui.
Nhiều cụ còn nhớ nhà, đòi về. Như bà Hồng, ở Hưng Yên, chuyển lên thành phố sống với con nhưng bị ốm mà con không có nhiều thời gian chăm sóc nên phải đến đây ở. "Bà không quen ở đây đâu. Nhớ quê hương và nhớ con cháu lắm!", bà rầu rầu nói.
Cụ Phong ở Bình Lục, Hà Nam đã già và rất yếu thì hay ngồi lặng lẽ ở trong góc hội trường. Đôi mắt buồn buồn, cụ nói: "Đang ở quê quen rồi, lên đây thấy xa lạ và lạc lõng lắm. Cũng không quen với các cụ thành phố nên ít nói chuyện. Mình đang ở nhà, có các cháu, rồi bà con lối xóm..."
Người Việt Nam vẫn thường cho rằng, chỉ có người cô đơn, không nơi nương tựa, bị con cái hắt hủi mới phải vào viện dưỡng lão. "Lập ra trung tâm này, mình muốn xoá bỏ cái quan niệm cũ ấy", ông Ngọc tâm sự. Theo ông, người già bao giờ cũng muốn sống cùng con cháu, ở nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, cháu thì đi học bán trú, học thêm; con đi làm cả ngày, gặp nhau cũng khó, các cụ vào trung tâm sẽ có bầu có bạn và được chăm sóc tốt hơn.
Minh Thuỳ