Thứ hai, 6/5/2024
Thứ sáu, 7/1/2022, 11:50 (GMT+7)

Trung tâm nuôi hổ lớn nhất cả nước

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đang nuôi 36 con hổ, đều là tang vật thu giữ từ những vụ buôn bán trái phép.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, huyện Sóc Sơn, đang chăm sóc 36 con hổ trưởng thành, chủ yếu là hổ Đông Dương, nhiều nhất cả nước. Đây hầu hết là tang vật thu giữ từ những vụ buôn bán động vật hoang dã trên cả nước và hổ tự sinh sản sau quá trình nuôi nhốt.

Ngoài ra, trung tâm đang chăm sóc gần 1.000 loài động vật hoang dã như rùa, rắn, chim, gấu, khỉ, gà quý hiếm...

Hệ thống cửa từng khu nuôi nhốt được thiết kế chắc chắn, điều hướng một chiều, chỉ bên ngoài mới điều khiển được. Tổ chăm sóc hổ gồm 8 người (thường gọi là vú nuôi) đều có nhiều năm kinh nghiệm và nắm chắc việc này, bởi nếu kéo nhầm cửa sẽ gây nguy hiểm.

"Để trở thành vú nuôi của hổ, người chăm sóc phải có tình yêu, kiên trì lắng nghe, dần làm quen để mang đến cảm giác yên tâm cho từng con. Nếu chăm sóc tốt, hổ sẽ đáp trả bằng sự thân thiện, nghe lời. Nhưng nếu đối xử không tốt, chỉ cần nghe tiếng bước chân từ xa, hổ đã gầm gừ", ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, nói.

Chuồng nuôi nhốt hổ xây dựng từ 15 năm trước, được chia thành nhiều khoang, có phần được lợp mái hai tầng và không gian chơi. Bên ngoài chuồng gắn đồng hồ nhiệt kế đo nhiệt độ, để khi nóng sẽ hạ nhiệt bằng bật phun sương, tắm; khi lạnh phủ mái che nylon chắn mưa, gió.

Hổ sau khi đưa về trung tâm sẽ được khám sàng lọc, theo dõi tập quán, hành động, sau đó ghép chung với những con cùng giới tính, cùng độ tuổi và sở thích. Nhiều hổ hung dữ sẽ được nhốt riêng.

8h, Nam, Trung và Thao, đều có 7-8 năm chăm sóc hổ, có mặt tại hai khu nuôi bán hoang dã và khu chuồng nhỏ để dọn dẹp vệ sinh chuồng, tạo sân chơi cho hổ. Theo quy định, 2-3 người lần lượt đến từng chuồng quan sát, kiểm tra trong và ngoài, rồi tạo cảm giác thân thiện với từng con hổ.

Nửa tiếng sau khi kiểm tra chuồng và đưa 4 con hổ đực vào phòng trong, các nhân viên bắt đầu dọn vệ sinh, cọ rửa mặt sàn. Việc này được tiến hành 10 phút mỗi ngày để đảm bảo chuồng sạch sẽ, tránh vi khuẩn gây bệnh.

Những cành cây lớn được anh Thao đưa vào chuồng để hổ có "đồ chơi", giảm sự căng thẳng.

Nhiều năm gần đây, trung tâm mời các chuyên gia động vật hoang dã từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm nên quá trình chăm sóc hổ thuận lợi hơn từ việc phát hiện bệnh, tạo phúc lợi cho động vật.

Anh Nguyễn Ngọc Anh chuẩn bị đồ ăn cho hổ. "Mỗi con ăn 2 bữa một ngày vào 10h và 16h. Khẩu phần trị giá hơn một triệu đồng/ngày, gồm: 3 kg thị gà, 1,5 kg thịt bò, 0,5 kg xương sườn. Tùy việc hấp thụ của từng con mà chúng tôi tăng hoặc giảm khẩu phần", Ngọc Anh nói.

Quá trình cho ăn, "vú nuôi" giữ khoảng cách nhất định bởi lúc này hổ hung dữ nhất.

Mỗi con hổ đều được đặt tên để đánh dấu và theo dõi bệnh tật.

Ngoài tự nhiên, hổ Đông Dương đực trưởng thành dài 2,55-2,85 m, nặng 150-200 kg, hổ cái nhỏ hơn. Sau 3 năm, hổ cái sẽ sinh con, một lứa 1-5 con. Hổ Đông Dương mới sinh nặng khoảng một kg.

Hổ nuôi nhốt vẫn có khả năng sinh sản, tuy nhiên nhiều năm nay diện tích trung tâm có hạn nên không thể mở rộng chuồng trại, một số hổ đực phải triệt sản, hổ cái phải đặt que tránh thai.

"Các buổi sáng, tôi phải đến từng chuồng gọi tên, theo dõi biểu hiện, kiểm tra phân để biết sức khỏe từng con. Mùa đông, hổ hay mắc bệnh hô hấp, mùa hè thì tiêu chảy, dạ dày, nấm ngoài da, nên phải tiêm vaccine, khám sức khỏe định kỳ hàng năm", bác sĩ thú y Trịnh Thị Hằng cho biết.

3 năm gần đây, trung tâm dành 1.000 m2 đất làm 2 khu bán hoang dã và phúc lợi cho hổ. Những con sau khi ghép đàn thành công được nhốt riêng một chuồng, sau đó thả luân phiên theo ngày và giờ để vận động vui chơi.

Năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WWF) cho biết, Việt Nam chỉ còn khoảng 5 con hổ ở ngoài tự nhiên.

"Vú nuôi" của 36 con hổ
 
 

Ngọc Thành