Trung tâm mua sắm New South China ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mở cửa năm 2005, diện tích khoảng 465.000 m2, có thể chứa 2.350 cửa hàng. Trung tâm này được coi là nơi mua sắm lớn nhất thế giới nếu xét đến diện tích mặt bằng cho thuê. Nó cũng rộng hơn hai lần kích thước trung tâm mua sắm Mall of America lớn nhất ở Mỹ.
Sau 8 năm đưa vào hoạt động, khu trung tâm mua sắm New South China vẫn như một khu nhà hoang. |
Tại quảng trường ngoài trời, hàng trăm cây cọ kết hợp với những bản sao nổi tiểng thế giới như: Khải hoàn môn ở Paris, nhân sư khổng lồ Ai Cập, đài phun nước và con kênh với những chiếc thuyền đáy bằng.
Tuy nhiên, trung tâm mua sắm này gần như bị bỏ hoang khi chỉ có vài cửa hàng trưng bày, dù trước đó được xây dựng và thiết kế hoành tráng. Theo dữ liệu công ty xây dựng toàn cầu Emporis, rất ít khách lui tới, số gian hàng bị bỏ trống khá cao. Hành lang, thang cuốn phủ đầy bụi bẩn. Chẳng ai dọn rác ở dọc lối đi, lớp sơn tường bong tróc không được thay mới. Các bảng hiệu, quảng cáo phai mờ dần.
Ở khu giải trí, hơn nửa số nhân viên nằm ngủ trên các quầy hay giết thời gian bằng cách trò chuyện cùng nhau trong lúc trò chơi tàu lượn tốc độ cao phát ra âm thanh inh ỏi.
Mở cửa cho công chúng vào năm 2005, chủ đầu tư kỳ vọng New South China sẽ thu hút khoảng 100.000 lượt người mỗi ngày. Tuy nhiên, 8 năm sau, số lượng người ghé trung tâm mua sắm chẳng bao nhiêu, chủ yếu tới các cửa hàng thức ăn nhanh hoặc rạp chiếu phim.
Một phần của vấn đề chính là địa điểm. Tại Đông Quan, phần lớn trong số 10 triệu dân ở đây là lao động di cư phải chạy ăn từng bữa. Xiao, một công nhân nhập cư ở độ tuổi 20, làm việc tại trung tâm mua sắm cho biết anh không có thời gian, tiền bạc để mua sắm hay giải trí.
Trung tâm mua sắm vắng vẻ cũng là hệ quả của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và việc tháo chạy khỏi các dự án đầu tư bất động sản. "Phần lớn các dự án nói trên là kết quả của việc tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và là hành vi đầu cơ, chứ không phải tính toán kinh doanh hợp lý”, Victor Teo, trợ lý giáo sư tại Đại học Hong Kong nói.
Trung tâm mua sắm này không phải là trường hợp duy nhất. Những nơi khác ở Trung Quốc cũng có hiện tượng thị trấn ma, để nói lên việc các dự án hạ tầng chẳng có người mua kẻ bán và cư dân sinh sống.
Sự bùng nổ tín dụng để kích thích kinh tế sau hậu khủng hoảng tài chính đã dẫn đến sự phát triển nhanh các căn hộ và khu thương mại không có cư dân sinh sống qua việc xây dựng đầu cơ tràn lan.
"Những gì Trung Quốc đã làm trong giai đoạn bùng nổ tín dụng là tạo ra nhiều thành phố ma, đó là các dự án không có nền tảng thương mại và không khả thi”, chuyên viên Jonathan Anderson nhận xét trong một bản nghiên cứu của ông.
Bên cạnh đó, Đông Quan đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như các nhà máy đóng cửa và di chuyển nơi sản xuất sang các thành phố khác ở Trung Quốc và có thể chuyển ra nước ngoài với chi phí lao động rẻ hơn.
Tuy nhiên, trung tâm mua sắm sẽ có kế hoạch tăng số lượng người thuê mặt bằng, Ye Ji Ning, người đứng đầu đơn vị đầu tư của South China Mall cho biết. Ông nói mục tiêu của công ty sẽ tăng diện tích cho thuê để lắp đầy lên gần 80% vào năm nay. "Từ tháng ba trở đi chúng tôi sẽ có các hoạt động khuyến mãi để có thể đạt được mục tiêu cho thuê mới”, Ye nói.
Vào năm 2007, trung tâm mua sắm được tái khởi động và thay đổi tên từ “South China Mall” sang “New South China Mall, Living City". Một kế hoạch khôi phục đã được đưa ra. Nhưng sau khi tái cấu trúc lại, chẳng có một bóng người mua sắm lẫn người đến thuê mặt bằng nào cả.
Một số hình ảnh của khu trung tâm mua sắm New South China trở thành khu nhà hoang: |
Phương Mai (Theo CNN)