![]() |
Nhà văn quá cố liệu có được bảo vệ tác quyền? |
Tại hội thảo, ông Ma Văn Kháng, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: "Dự thảo về tổ chức, hoạt động của Trung tâm tác quyền văn học sẽ còn phải sửa đi chữa lại nhiều lần để tiến tới một quy chế chính thức". Song chính xác thời điểm nào mới có quy chế hoàn chỉnh thì không thấy ông Kháng nhắc tới. "Chúng tôi thậm chí vẫn đang lúng túng trong việc thống nhất tên gọi của Trung tâm. Trong dự thảo ghi là Trung tâm bản quyền văn học Việt Nam, song chúng tôi đã nhận được nhiều kiến nghị nên đổi thành Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học Việt Nam mới chính xác", ông Kháng nói.
Ông Cao Tiến Lê, Uỷ viên thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết: "Từ trước tới nay, bản quyền tác giả văn học Việt Nam vẫn được bảo vệ trên cơ sở pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế việc thực thi quyền tác giả vẫn còn nhiều bất cập. Quyền tác giả văn học trong nhiều trường hợp đã bị vi phạm. Nhiều đầu sách đã được xuất bản, với số lần in và số lượng không thể kiểm soát nổi. Nhiều tác phẩm thơ bị sử dụng mà nhà thơ không hề biết và không được hưởng tác quyền". Và trong bản dự thảo khá dài gồm 27 điều, 6 chương, Hội không hề có một dòng nào đề cập vấn đề tác quyền với nhà văn quá cố, điều mà công ước quốc tế Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật đã công bố từ năm 1971! Theo đó, trường hợp tác giả đã mất, tác phẩm sẽ được bảo hộ tác quyền trong 5 năm, sau đó tác phẩm ấy sẽ thuộc tài sản quốc gia.
Cùng với việc công bố dự thảo, Ban vận động Hội nhà văn Việt Nam cũng phát thư mời tham gia Trung tâm tác quyền tới tất cả hội viên. Chỉ trong vòng một buổi sáng, đã có hơn hàng chục đơn xin gia nhập. Tuy nhiên, không ít hội viên, dù đã tình nguyện tham dự Trung tâm, vẫn tỏ ra không mấy lạc quan. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà tâm sự: "Đáng lẽ việc thành lập Trung tâm phải làm sớm hơn. Mặc dù Cục bản quyền đã tạo hành lang pháp lý, các nhà văn, các tác giả trong nước vẫn chưa có thói quen, sự hiểu biết và bản lĩnh để đòi hỏi việc thực thi. Vì vậy, động thái thành lập Trung tâm bản quyền văn học mới chỉ có ý nghĩa như một phương thức ứng xử văn hóa của toàn xã hội với vấn đề tác quyền. Bản thân tôi chưa dám hy vọng việc thực thi bản quyền sẽ được tiến hành triệt để, nhất là trong bối cảnh hiện nay".
Hiền Hòa