Trưa 27/7, căn nhà nhỏ của anh Khuất Mạnh Trí nằm cuối con ngõ đường La Thành (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đông người qua lại. Trong góc sân nhỏ, hơn chục người đang ngồi đó, không gian trầm buồn bao trùm. Người thân, đồng đội mong ngóng từng phút để lên ôtô vào Nghệ An gặp anh.
Anh Khuất Mạnh Trí là một trong hai phi công bay huấn luyện hy sinh trưa 26/7 khi máy bay Su-22 của Trung đoàn Không quân 921 rơi xuống làng Dừa, xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Là con cả trong gia đình có hai anh em, học hết cấp 3, anh Trí đỗ cùng lúc Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Phòng không - Không quân. Mong muốn được nối nghiệp bố, vốn là cựu tù Côn Đảo, anh từ bỏ cơ hội vào đại học hàng đầu để nhập học trường không quân.
Sau quá trình huấn luyện, anh trở thành phi công lái máy bay chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau thời gian bay ở Nha Trang, anh chuyển về Bắc Giang và từ năm 2014 trở về Nội Bài.
Gần nhà, anh Trí được về thăm mẹ, vợ và hai con nhỏ nhiều hơn. Nhưng khoảng thời gian đó lại trở nên quá đỗi ngắn ngủi sau chuyến bay định mệnh mà tới giờ nhiều người thân, đồng đội vẫn không khỏi bất ngờ.
"Tôi không thể ngờ nạn nhân lại là anh mình"
“Tại sao bao nhiêu lần nhận thông tin để làm tin, bao nhiêu lần em gọi cho anh để hỏi, để báo anh, dặn anh bay cẩn thận… mà cuối cùng tin em nhận được hôm nay lại là anh hy sinh? Bố em lúc nào cũng gọi, cũng lo lắng cho anh, nhưng không một phép màu nào xảy ra…”, chị Khuất Nguyệt Minh, em gái họ của anh Trí, viết lên suy nghĩ của mình khi nhận tin người anh thân thiết ra đi mãi mãi.
Trưa 26/7, chị Minh nhận được thông tin một máy bay quân sự rơi tại Nghệ An khiến hai phi công thiệt mạng. Là phóng viên thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, chị không ít lần nhận tin liên quan đến sự cố hàng không. Như thường lệ, chị Minh nhấc máy gọi ngay cho trung tá Khuất Mạnh Trí, anh họ và là phi công dày dặn kinh nghiệm, để hỏi thăm và xin ý kiến. Khác với những lần trước, chị không thể liên lạc được.
Một lúc sau, Bộ Quốc phòng phát đi thông báo hai phi công trong vụ rơi máy bay Su-22 là trung tá Khuất Mạnh Trí (sinh năm 1978, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê thị xã Sơn Tay, Hà Nội) và thượng tá Phạm Giang Nam (sinh năm 1972, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, quê Thái Thụy, Thái Bình). Nhìn thấy tên anh họ, chị lặng người.
“Tôi vẫn thường gọi cho anh để tham khảo ý kiến, nhưng lần này thật không thể ngờ nạn nhân chính là người anh mà tôi luôn coi như anh ruột trong gia đình”, chị Minh vừa khóc vừa nói.
Bố mất sớm, anh Trí là chỗ dựa cho cả gia đình. Cũng vì lẽ đó mà bố chị Minh luôn coi người cháu ruột như con trai. Hai anh em vẫn thường xuyên nói chuyện, hỏi han nhau. Chị Minh cho biết anh Trí không chia sẻ nhiều thông tin về công việc với gia đình vì sợ đặc thù nghề nghiệp khiến mọi người lo lắng.
“Trong mỗi lần trò chuyện, tôi đều dặn anh bay cẩn thận. Anh luôn bảo tôi cứ yên tâm và nói rằng sẽ phải làm việc của mình ngày một tốt hơn. Vậy mà…”, giọng chị Minh nghẹn lại.
Anh Trần Tất Thắng, hàng xóm sát vách nhà anh Trí, nhớ lại buổi trưa hôm qua. Thấy đồng nghiệp ở Bưu điện thị xã Sơn Tây đưa vợ anh Trí về, cả mẹ và vợ anh đều khóc ngất, dự cảm có chuyện chẳng lành, anh chạy sang hỏi thăm thì biết chuyện.
“Lúc đó tôi chỉ nghĩ tai nạn bình thường. Sau đó được một người bạn thông tin, tôi mới mở báo mạng ra xem và thực sự bất ngờ khi biết Trí hy sinh. Tôi vừa gặp Trí hôm thứ bảy tuần trước. Nó bảo về làm giỗ cho bố. Từ ngày làm ở Nội Bài, nó rất hay về. Giờ thì chẳng bao giờ gặp lại nó được nữa”, anh Thắng ngừng lại lúc lâu rồi cho biết cả khu phố ai cũng biết tới chàng phi công lão luyện tên Trí.
Một quân nhân chuyên nghiệp thuộc Trung đoàn 92 nhận xét anh Trí là phi công giỏi, đã bay hàng nghìn giờ và làm việc rất khoa học, được đồng đội yêu mến. Anh Trí nổi tiếng mê hoa lan. Mỗi lần về thăm nhà, anh đều tranh thủ ra chợ cây tìm những loài lan đẹp, thậm chí lên cả Hòa Bình, Mộc Châu để tìm.
"Ở đơn vị, anh Trí trồng và chăm sóc hàng trăm giỏ lan. Cứ rảnh rỗi, anh lại đi cắt tỉa lan. Nhiều anh em trong đơn vị thường xuyên đến hỗ trợ rồi cũng dần yêu thích loài hoa này giống anh Trí, trong đó có anh Phạm Giang Nam, người đã ngồi cùng trên chiếc Su-22 trưa qua", quân nhân này thông tin và nhận định sự hy sinh của hai anh điều bất ngờ, là mất mát lớn với trung đoàn 921.
Trước sự ra đi của anh Trí, gia đình có nguyện vọng đưa anh về làm tang lễ tại Hà Nội. “Nhà tôi không cần gì hết, cũng không cần anh được phong gì. Nhà tôi chỉ mong được sớm đưa anh về tổ chức tang lễ ở Hà Nội nhưng bây giờ không được nữa rồi”, chị Minh khóc nấc và cho biết Quân chủng và Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức tang lễ cho anh Trí theo nghi thức quân đội ở Quân khu 4.
Để kịp cho lễ truy điệu sáng 28/7, gia đình và đồng đội đã thuê ôtô vào Nghệ An từ sớm nay. Vợ và các chú, bác đi chuyến trước. Mẹ, hai con nhỏ (bé trai lên lớp 4, bé gái lên lớp 2) cùng đồng đội đi chuyến xe sau. Tâm trạng đau xót, mẹ anh Trí không thể tự đi lại vì kiệt sức sau nhiều lần khóc ngất.
“Anh ơi, bọn em vào với anh đây. Anh chờ bác, chờ bố mẹ, chờ chị, chờ các cháu, chờ chúng em anh nhé. Cả nhà đón anh về”, chị Minh chia sẻ dòng trạng thái trên mạng xã hội.
Trong căn nhà nhỏ ở Sơn Tây, hàng chục giỏ lan vẫn khoe sắc, nhiều người thân trong gia đình không có điều kiện đi đón anh vẫn ngồi đó chờ anh về.
Lúc 11h35 ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, thực hiện bay huấn luyện đã mất liên lạc và rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Hai phi công hy sinh là trung tá Khuất Mạnh Trí (40 tuổi, quê Hà Nội), Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng và thượng tá Phạm Giang Nam (46 tuổi, quê Thái Bình), Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921. Trung tá Trí nhập ngũ năm 1995, đã bay qua các loại máy bay L-39, MiG-21, Su-22; còn thượng tá Nam nhập ngũ năm 1991, đã bay qua các loại máy bay L-39, MiG-21Bis, Su-22M. Ba năm trước, vào ngày 16/4/2015, biên đội 2 máy bay Su-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) ra vùng trời đảo Phú Quý đã gặp nạn. Hai phi công hy sinh. |