"Bản doanh" của người đàn ông vóc dáng gày gò này nằm ở góc phải, phía trong Bưu điện trung tâm TP HCM. Ông Ngộ vốn được báo chí trong, ngoài nước mệnh danh là Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Hàng chục nghìn lá thư chở tâm tình của bao khách vãng lai được bàn tay gày gò của ông nắn nót viết thay hơn 17 năm nay.
Ông Dương Văn Ngộ bên một người Pháp nhờ dịch thư hộ. Đây cũng là người bỏ quên máy ảnh ở Bưu điện Sài Gòn, sau ông Ngộ nhặt được và trả lại tận tay. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ông Ngộ là cựu học sinh trường Petrus Ký, lấy bằng trung học Pháp năm 22 tuổi và gia nhập đội ngũ nhân viên Bưu điện Sài Gòn, nay là Bưu điện Trung tâm TP HCM. Đến tuổi hưu, ông xin ở lại tư vấn thủ tục gửi thư cho khách, được bưu điện bố trí cho 1 bàn làm công việc này.
Bàn làm việc của ông treo toòng teng biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp", trên chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam cùng các nước trên thế giới. Với bộ đồ nghề này, ông giúp khách hàng viết những lá thư gửi đi khắp các nơi trên thế giới: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hungary...
Ông Ngộ cho rằng, giao tiếp bằng thư, hình thức quan trọng lắm. Lời lẽ, câu cú, cách trình bày, thậm chí cách viết dòng địa chỉ cũng cho thấy văn hóa người gửi. Vì thế, ông viết cẩn thận bản mẫu của khách để không chỉ chuyển tải đúng ý mà còn phát hiện ra những sai sót, kịp điều chỉnh.
Ông Dương Văn Ngộ đang viết giúp bà Hồ Thị Thu hồ sơ gửi thư, báo qua Nhật cho con trai. Ảnh: A.V. |
Với nội dung thư viết thay, ông Ngộ cân nhắc từng từ. Để đạt đến văn phong giao tiếp chuẩn mực, gây ấn tượng tốt cho người đọc, ông phải tự học, rút tỉa kinh nghiệm hằng ngày.
"Từ điển bây giờ nhiều cuốn soạn sai quá. Phải đọc nhiều quyển, rồi đối chiếu qua lại, như thế mới không phạm sai lầm khi viết thư cho khách!", ông vừa giở cuốn từ điển của một NXB được gạch và làm dấu chi chít, vừa tâm sự với VnExpress.
Tùy độ dài và mức độ khó hay dễ, ông Ngộ lấy công 5.000-10.000 đồng cho mỗi lần dịch, viết thư. Có khi, nhìn dáng lam lũ của bà mẹ lên thành phố gửi thư cho con ở nước ngoài, hay cô gái viết vài dòng cho người yêu ở xa, ông nhất quyết không nhận tiền.
Không ít người nhờ ông ghi địa chỉ chuyển phát nhanh sang Mỹ, thấy thư của khách mất phí hơn 600.000 đồng trong khi không cần gửi gấp, ông khuyên họ chỉ nên gửi thường. Họ tiết kiệm được đáng kể chi phí và thủ tục không cần thiết. Nhiều người cảm ơn rối rít nhưng cũng có người lớn tiếng "ông làm như tôi nói, tôi trả tiền". Gặp trường hợp như thế, ông từ chối viết tiếp.
Ông Ngộ cũng có những năm khó khăn, phải cùng các con lặn lội ở chợ Cầu Muối, Bình Đông, cầu Tân Thuận bỏ mối "hột vịt", bánh mỳ. Thế nhưng, như ông tâm sự, nhờ con chữ và kiến thức nuôi dưỡng ý chí, cuối cùng, "bến đỗ" của ông là cái nghề gắn liền với giấy, viết. Vài năm trước, ông có một số bạn cùng nghề. Song người mất, người sức khỏe yếu đã nghỉ làm hết. Chỉ còn ông, mưa cũng như nắng vẫn tới góc quen thuộc của mình ở bưu điện, vì "ngồi nhà thấy nhớ việc, nhớ mọi người".
Cách đây hai tuần, đoàn làm phim của Hungary đến quay phim về ông, một trong những nét đặc trưng của không gian TP HCM. Đoàn quay xong, nhét vào tay ông phong bì tiền, ông trả lại và giải thích: "Từ bộ phim này sẽ có nhiều người biết về tôi, tôi có đông khách hàng, như vậy các bạn đã giúp tôi rồi". Còn khi biết trung tâm Vietkings đang thu thập tài liệu, bài viết để tiến hành xác nhận kỷ lục gia Việt Nam, ông nói, được danh hiệu gì thì trước sau cũng vậy, có trúng số bạc tỷ cũng không bỏ việc vì nó là niềm vui suốt đời người.
Hình ảnh ông Ngộ cặm cụi từng nét chữ hoặc tỉ mẩn tra cứu những cuốn từ điển dày cộp đã gắn với Bưu điện trung tâm TP HCM. Bà Hồ Thị Thu, nhà ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết, mỗi lần đặt chân vào đây, thấy bác Ngộ cặm cụi viết thư là bà vui. Hôm nào vắng, bà cứ lo ông bệnh không trở lại chỗ làm. Bà Thu có người con trai làm nhân viên sứ quán Việt Nam tại Nhật. Vài tháng, bà lại mang báo chí, thư từ đến nhờ ông Ngộ làm thủ tục, viết giúp địa chỉ cho con.
Nhiều khách quen khác giống bà Thu, nếu thiếu ông, cảm giác Bưu điện trung tâm TP HCM vắng đi điều gì thân thương lắm...
Anh Vân