Ngày 10/1, trang web Tổng cục Phát thanh, Truyền hình đăng thông tư về kế hoạch phát triển nhân lực lĩnh vực phát thanh, truyền hình và chương trình Internet, trong đó quy định thực hiện nghiêm túc việc đào tạo cho những người hoạt động lĩnh vực văn nghệ, biểu diễn, gồm đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên, người quản lý nghệ sĩ...
Cơ quan quản lý yêu cầu các chương trình phải được tổ chức thường xuyên, dài kỳ và có hiệu quả. Năm 2021, một số nghệ sĩ như Tôn Lệ, Đường Yên, Đổng Khiết từng tham gia buổi đào tạo về đạo đức nghề nghiệp song hoạt động tương tự chưa được tổ chức thường xuyên.
Tổng cục còn hướng dẫn tổ chức các hoạt động thực tiễn cho nghệ sĩ, để họ đi sâu vào cuộc sống của người dân, "lĩnh hội được hiện thực cuộc sống muôn màu", qua đó tích lũy kinh nghiệm sáng tác.
Quy định của Tổng cục Phát thanh, Truyền hình được đưa ra trong bối cảnh hai năm gần đây, hàng loạt sao hạng A bị phát hiện, xử phạt trốn thuế. Trước đó, hồi tháng 11/2022, đại diện cục thuế thành phố Bắc Kinh nói cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát sao việc đóng thuế trong lĩnh vực giải trí, xử lý nghiêm khắc hành vi gian lận của nghệ sĩ.
Năm qua, Bộ Tuyên truyền Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cơ quan Quản lý không gian mạng cùng nhiều bộ ngành khác lần lượt yêu cầu tăng cường mức độ trừng phạt với nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức. Từ đó, các hiệp hội trong lĩnh vực giải trí đều tuyên bố "không nhân nhượng".
Một trong hình phạt quan trọng với "nghệ sĩ bê bối" là buộc họ bồi thường kinh tế lớn. Tờ Renmin Wang cho rằng người của công chúng được hưởng lợi từ sức ảnh hưởng xã hội, cũng cần chịu trách nhiệm tương ứng nếu gây hậu quả từ các hành vi không lành mạnh... Đánh mạnh vào kinh tế sẽ làm các sao chú ý hành vi của mình hơn, những sự "nhiễu loạn" ở làng giải trí sẽ được khống chế hiệu quả.
Như Anh