Đầu tháng 7, Đại học Thiệu Dương (tỉnh Hồ Nam) trở thành tâm điểm của dư luận khi thông báo tái tuyển dụng 22 giảng viên được cử sang Đại học Adamson (Philippines) sau thời gian học tiến sĩ. Hiệu trưởng Peng Xilin sẵn sàng chi 126.000 USD cho mỗi giảng viên.
Những giảng viên này bắt đầu chương trình tiến sĩ vào tháng 8/2019 và hoàn thành vào tháng 12/2021 (tổng 28 tháng), trong khi hầu hết phải mất tối thiểu bốn năm.
Dư luận nghi ngờ về chất lượng bằng cấp của các giảng viên Đại học Thiệu Dương, bởi thời gian nghiên cứu ngắn bất thường và danh tiếng thấp của Đại học Adamson. Adamson là trường đại học tư thục và bị Bộ Giáo dục Trung Quốc đánh giá có chất lượng đào tạo thấp vào tháng 11 năm ngoái.
Ngoài ra, các tiến sĩ được tuyển dụng lại được bố trí vào các bộ phận như tài chính, phụ trách chương trình thể chất.

Đại học Thiệu Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: EaziLine International
Việc làm này được cho là để tăng số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ, nâng cao vị thế cho Thiệu Dương.
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Trung Quốc, nói rằng không hiếm các đại học nước này hợp tác với một tổ chức ở nước ngoài để đào tạo "tiến sĩ mỳ ăn liền".
Theo Xiong, với Đại học Thiệu Dương, một trường tầm trung ở Trung Quốc, việc khuyến khích và đầu tư cho các giảng viên lấy bằng tiến sĩ là đúng đắn, bởi sẽ rất khó để tuyển dụng người mới nếu họ đã có bằng cấp cao. Dù vậy, Xiong nhấn mạnh để lấy bằng tiến sĩ, ứng viên thường mất 4-5 năm, bất kể là tại đại học trong hay ngoài nước. Bên cạnh đó, một số giảng viên sẽ rời đi và tìm những công việc tốt sau khi lấy bằng.
Cân nhắc những yếu tố này, Xiong cho rằng việc cử giảng viên đến một trường đại học xếp hạng thấp ở nước ngoài để lấy bằng tiến sĩ là "khá thực dụng". Bằng cấp có thể bị chỉ trích là chất lượng thấp, nhưng vẫn là bằng tiến sĩ. "Thêm vào đó, hầu hết các giảng viên sẽ không nhảy việc sau khi đạt được bằng cấp theo cách này, nên trường đại học có thể cải thiện yếu tố 'quốc tế' và thứ hạng của mình", ông giải thích.
Tuy nhiên, Xiong cho rằng điều này chỉ mang lại lợi ích trước mắt về mặt thứ hạng chứ không mang lại chất lượng thực sự. "Kế hoạch này chỉ để các trường làm đẹp bộ mặt và tìm kiếm thành công nhanh chóng", Xiong nói.
Ngày 24/7 Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam thông báo Đại học Thiệu Dương có sai phạm trong chiến lược tuyển dụng nhân tài và hiệu trưởng đã bị sa thải.
Hà Linh (Theo SCMP)