Số trạm sạc xe điện ở Bắc Kinh đã xấp xỉ bằng số trạm sạc trên toàn nước Mỹ. Trung Quốc - thị trường ôtô điện lớn nhất thế giới, cứ có 8 trạm sạc công cộng thì Mỹ mới có một. Sự mất cân đối này dường như sẽ càng trở nên rõ rệt hơn khi Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ, khích lệ các nhà sản xuất ôtô từ bỏ những chiếc xe hao xăng và đẩy nhanh việc ra mắt sản phẩm mới là cổng sạc điện cho ôtô, thu hút các ông lớn năng lượng như tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell và BP Plc tham gia hợp tác.
Kế hoạch phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới được cân nhắc bởi chính phủ Trung Quốc và dự định là định hướng của ngành công nghiệp ôtô nước này tới 2035 sẽ đặt ra những mục tiêu mới cho việc thúc đẩy số trạm sạc công cộng và cá nhân. Trung Quốc được cho là đang cân nhắc mục tiêu 60% tất cả các ôtô bán ra sẽ chạy bằng động cơ điện vào thời điểm đó.
Số lượng xe điện của Trung Quốc có thể sẽ tăng lên tới 162 triệu chiếc vào 2040, theo dự đoán của BloombergNEF.
"Mức độ sẵn có của cơ sở vật chất phục vụ cho việc sạc điện đang tăng lên khá nhanh", Jing Kai, phó giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của công ty thiết bị điện TGOOD Thanh Đảo, cho biết, công ty này cung cấp mạng lưới trạm sạc lớn nhất Trung Quốc. "Mục đích của chúng tôi là giúp người sử dụng xe chạy điện sạc ở bất cứ nơi nào họ tới, việc sạc điện sẽ dễ dàng như mua một chai nước".
Ôtô điện rất cần thiết cho tham vọng biến Trung Quốc trở thành siêu cường sản xuất vào năm 2025 của Tập Cận Bình. Quốc gia này đang xây dựng ít nhất 20 "thị trấn xe điện" cho các nhà sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ, và đã dành hơn 30 tỷ USD trợ cấp cho doanh số xe điện. Trung Quốc đang chiếm tới hơn một nửa doanh số xe điện toàn cầu.
Trong khi đó, các hãng xe Mỹ đang tiến những bước chậm chạp, khi hầu hết doanh số xe điện thuộc về Tesla. Chính phủ Mỹ có trợ cấp mua hàng, nhưng các lợi ích này cũng đang bị xoá bỏ, và BNEF dự báo doanh số xe điện sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Trung Quốc đã có 466.101 điểm sạc công cộng tính tới cuối tháng trước, Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc ôtô điện Trung Quốc cho biết. Trong đó có hơn 54.000 điểm sạc ở riêng Bắc Kinh. Trong tương quan so sánh, Mỹ đang có 60.652 đầu sạc tính tới 25/6, theo BNEF. California là bang có nhiều điểm sạc hơn cả với 19.000 – con số này tương đương với số lượng sạc Trung Quốc bổ sung trong trung bình một tháng.
Với doanh số xe điện toàn cầu được dự báo tăng tới 56 triệu chiếc vào năm 2040, so với khoảng 2 triệu xe năm ngoái, nhu cầu cho số bộ sạc công cộng có thể tiếp cận được tăng lên đáng kể - không chỉ nhằm phục vụ cho số lượng xe đang nhân lên mà còn để thuyết phục các khách hàng tiềm năng rằng họ có thể chuyển sang sử dụng xe điện mà không phải sợ bị mắc kẹt trên cao tốc với cục pin cạn kiệt.
Khi tốc độ đầu sạc tăng lên, tài xế nhiều khả năng sẽ nạp nhiên liệu ở công sở, trung tâm thương mại hay trên cao tốc ngày càng nhiều.
Ở Mỹ, các hãng ôtô như Tesla và Volkswagen đang tiên phong bổ sung thêm nhiều bộ sạc, bao gồm cả sạc nhanh. Số lượng điểm sạc có thể vượt hơn 400.000 vào năm 2025, theo dự báo của Wood Mackenzie. Trên toàn cầu, dự kiến sẽ có khoảng 20 triệu điểm sạc công cộng được lắp đặt vào năm 2030, Tổ chức Năng lượng Quốc tế dự báo.
Nhưng ngay cả ở Trung Quốc, quốc gia có nhiều bộ sạc hơn bất cứ nơi nào khác, tài xế vẫn cảm thấy nản lòng khi phải tìm trạm sạc điện. Tom He lái một chiếc minivan 25 chỗ ngồi của hãng Nanjing Golden Dragon đưa đón công nhân qua lại từ nhà đến nơi làm việc ở Bắc Kinh, và anh có thể đi được khoảng 160 km cho một lần sạc. "Việc tìm điểm sạc cho xe điện không hề dễ dàng. Cho nên anh sẽ phát điên nếu không thể sạc được ôtô của mình", Tom nói.
Chi phí cũng là một vấn đề đáng cân nhắc. Hiếm có chuyện chủ xe điện xếp hàng để dùng trạm sạc vào ban đêm khi giá điện rẻ hơn, Jing Kai của TGOOD nói. Công ty này vận hành hơn 131.000 đầu nối dùng được cho hầu hết các mẫu xe điện ở Trung Quốc, theo dữ liệu tổng hợp của BNEF. "Vẫn còn một chặng đường dài để đi và rất nhiều vấn đề chúng tôi cần giải quyết", Jing cho biết.
Hàng tỷ USD vốn chính phủ trước đây đầu tư vào việc hạ giá bán lẻ ôtô nay đang được tập trung, một phần, vào việc mở rộng số lượng các trạm sạc, bộ trưởng công nghiệp Miao Wei cho biết hồi tháng 3. Các chính quyền địa phương đang cung cấp nhiều ưu đãi nhằm hạ chi phí xây dựng cho những nhà phát triển và cắt giảm phí sạc cho người tiêu dùng.
Số lượng trạm sạc:
Top 5 tỉnh/thành Trung Quốc | Top 5 bang Mỹ | ||
Giang Tô | 55.652 | California | 19.065 |
Quảng Đông | 55.416 | Texas | 3.109 |
Bắc Kinh | 54.301 | Florida | 2.953 |
Thượng Hải | 53.311 | New York | 2.696 |
Sơn Đông | 30.421 | Washington | 2.389 |
Tuy nhiên, có một rủi ro đó là Trung Quốc quá vội vàng trong việc lắp đặt các bộ sạc, đặc biệt là từ khi thị trường ôtô nói chung được ghi nhận đang giảm doanh số ở 15 trên 16 tháng vừa qua. Điều này gây lo ngại rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ bong bóng ôtô điện.
Bên cạnh đó, BP và Shell, hai trong số các nhà đầu tư lớn nhất trong ngành công nghiệp năng lượng sử dụng công nghệ sạch, đang có động thái gia nhập cùng sự bành trướng của Trung Quốc. Tập đoàn Dầu khí Anh BP có trụ sở ở London hồi tháng 8 đã đồng ý thành lập liên doanh với hãng vận tải DiDi Chuxing. Công ty này đã mở một công trường thí điểm ở Quảng Châu với 10 đơn vị sạc nhanh. Shell, tập đoàn dầu khí Hoàng gia Hà Lan đầu tư vào hai công ty trong lĩnh vực sạc ôtô điện trong hai năm vừa qua, đã lắp đặt trạm sạc ôtô điện đầu tiên tại một nhà ga ở Thiên Tân, Trung Quốc.
Chương trình triển khai quốc gia của Trung Quốc khiến cho một vài tỉnh nước này có số lượng bộ sạc nhiều hơn cả các nước châu Âu. Các vùng phía tây của tỉnh Tân Cương có nhiều trạm sạc công cộng hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungary, trong khi Tây Tạng có nhiều hơn cả Belarus và Serbia, dữ liệu BNEF cho thấy.
"Trở thành một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị sạc là một thử thách, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào những công nghệ hàng đầu", Yu Dexiang, người sáng lập TGOOD nói. "Các công ty thất bại trong lĩnh vực này trong tương lai sẽ dần dần bị xoá sổ".
Mai Huyền (theo Bloomberg)