Xinhua ngày 13/9 cho biết quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua quyết định tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó tuổi nghỉ hưu theo quy định của nam giới sẽ "dần dần được nâng từ 60 lên 63 tuổi", còn tuổi của nữ giới sẽ tăng "từ 50 lên 55 tuổi hoặc từ 55 lên 58 tuổi" tùy thuộc loại công việc.
Quá trình tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu vào năm 2025 và diễn ra trong vòng 15 năm. Từ năm 2030, số năm đóng bảo hiểm hưu trí tối thiểu để đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng sẽ tăng dần từ 15 năm lên 20 năm, mỗi năm tăng thêm 6 tháng.
Các quy định mới cũng cho phép người lao động "hoãn thời điểm nghỉ hưu nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động". Động thái này được tiến hành dựa trên "đánh giá toàn diện về tuổi thọ trung bình, điều kiện sức khỏe, cơ cấu dân số, trình độ học vấn và nguồn cung lao động" ở Trung Quốc.
Các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc thuộc mức thấp bậc nhất thế giới và đã không tăng trong nhiều thập kỷ qua.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu diễn ra khi Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân khẩu học và hiện tượng già hóa dân số. Nước này sẽ có thêm hàng trăm triệu người cao tuổi trong những thập kỷ tới, trong khi tỷ lệ sinh đang giảm mạnh. Năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp dân số Trung Quốc giảm.
Giới hoạch định chính sách và chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, hệ thống y tế và phúc lợi xã hội nếu chính quyền không có động thái ứng phó, nhất là khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại trong những năm gần đây.
Li Changan, nhà kinh tế học tại Đại học Kinh doanh và Quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng "thay đổi về nhân khẩu học" là yếu tố dẫn tới quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc.
"Chính quyền trung ương lần đầu đề xuất thay đổi tuổi nghỉ hưu vào năm 2013 và dư luận đã thảo luận rất nhiều về vấn đề này trong một thập kỷ sau đó. Tôi nghĩ nhiều người đã chuẩn bị sẵn tinh thần", chuyên gia này cho hay.
People's Daily tuần này cũng cho biết việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp "thích ứng với thực tế khách quan rằng tuổi thọ và trình độ học vấn của người dân đã tăng mạnh".
Trong khi đó, He Yaf, chuyên gia độc lập về nhân khẩu học, nhận định kế hoạch này "về cơ bản không thể ngăn chặn các tác động tiêu cực của tình trạng già hóa và suy giảm dân số" và giải pháp chính phải là tăng tỷ lệ sinh.
Phạm Giang (Theo AFP, Xinhua)