Vị trí thủy điện Cảnh Hồng. Đồ họa: Michael Buckley |
"Chúng tôi sẽ xả nguồn cung cấp nước khẩn cấp từ Nhà máy Thuỷ điện Cảnh Hồng từ ngày 15/3 tới ngày 10/4", Xinhua dẫn lời phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói. Lưu lượng xả nước đạt 2.190 m3/giây.
Trước đó, Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ con đập tại nhà máy thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, để giúp vượt qua hạn hán tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Kể từ cuối năm 2015, các nước dọc sông Mekong đã chịu hạn hán do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình hình thời gian gần đây trở nên trầm trọng hơn, đe doạ sinh kế của người dân, ông Lục nói.
Phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng nước này sẵn sàng tăng cường điều phối và hợp tác với các nước liên quan theo cơ chế về quản lý nguồn nước và đối phó thiên tai để đem đến lợi ích cho người dân khu vực.
Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km.
Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn. Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang hơn 54.000 ha, Cà Mau gần 50.000 ha, Bến Tre gần 14.000 ha.
Mức độ xâm nhập mặn ở các tỉnh miền tây. Click để xem chi tiết. |
Trọng Giáp