Ngày 7/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo lãi suất áp dụng trong các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày sẽ giảm 10 điểm cơ bản (0,1%) xuống 1,4%, áp dụng từ ngày 8/5. Đây là lãi suất được PBOC chọn làm tham chiếu. Các mức lãi suất khác cũng sẽ được điều chỉnh giảm tương ứng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại cũng sẽ được hạ thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức bình quân xuống 6,2%.
Đây là lần cắt giảm RRR đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết việc này dự kiến giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) thanh khoản vào hệ thống tài chính. Thông báo này được đưa ra không lâu sau khi quan chức Mỹ và Trung Quốc xác nhận sẽ gặp gỡ tại Thụy Sĩ tuần này, để bàn bạc về vấn đề kinh tế, thương mại.

Nhân viên một ngân hàng Trung Quốc ở An Huy. Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 7/5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng được kỳ vọng thông báo giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp chính sách. Giới chức Trung Quốc phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ từ cuối năm 2024, nhưng trì hoãn hành động do đồng nhân dân tệ thời gian qua mất giá. Gần đây, đồng tiền này mạnh lên, tạo ra dư địa cho nới lỏng.
"Nhân dân tệ mạnh lên so với USD hơn rõ ràng giúp Trung Quốc có thêm dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ", nhà kinh tế cấp cao Xu Tianchen tại Economist Intelligence Unit nhận định. Ông không kỳ vọng nhiều rằng các biện pháp này sẽ có tác động lớn đến tín dụng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, "chúng sẽ giúp khôi phục niềm tin, từ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán". PBOC cũng công bố thêm nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực khác, như bất động sản và công nghệ. Theo đó, lãi suất trong gói vay 5 năm theo chương trình hỗ trợ của chính phủ cho người mua nhà lần đầu sẽ được giảm 25 điểm cơ bản, về 2,85%. Tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các công ty cho vay mua ôtô được giảm từ 5% hiện tại về 0%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ lập một gói tín dụng 500 tỷ nhân dân tệ để kích thích tiêu dùng và chăm sóc người cao tuổi. Họ cũng sẽ lập quỹ để mua trái phiếu liên quan đến công nghệ.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc Wu Qing hôm 7/5 cho biết giới chức sẽ hỗ trợ các công ty niêm yết lớn đối phó với thách thức từ thuế nhập khẩu. Li Yunze - người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ mở rộng chương trình thử nghiệm cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư thêm 60 tỷ nhân dân tệ (8,3 tỷ USD) vào thị trường chứng khoán.
Trung Quốc cũng đang soạn thảo thêm nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như lĩnh vực nông nghiệp. Các chính sách này sẽ được công bố sớm. Vài tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Thuế nhập khẩu 145% mà Mỹ áp lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong tháng 4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc xuống dưới 50 điểm, thấp nhất kể từ tháng 12/2023. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang co lại. Xing Zhaopeng - chiến lược gia cao cấp tại ngân hàng ANZ cho rằng Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thị trường trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. "Nền kinh tế trong nước phải đủ mạnh trước khi Trung Quốc bước vào bất kỳ vòng đàm phán thương mại kéo dài nào", Xing giải thích.
Hà Thu (theo Reuters)