Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm nay nói Trung Quốc "kiên quyết phản đối" và kêu gọi "các bên liên quan ngừng đưa ra những bình luận vô trách nhiệm" ở Biển Đông, theo Reuters.
Hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-la, cáo buộc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, gây tổn hại đến sự ổn định khu vực.
"Trung Quốc coi thường lợi ích của các nước khác và coi thường luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các đảo nhân tạo và thực thi yêu sách hàng hải thái quá", ông Mattis nói.
Bà Hoa lớn tiếng cho rằng các công trình phi pháp do nước này xây dựng ở Trường Sa của Việt Nam là nhằm "cải thiện điều kiện làm việc cho những người ở đó, duy trì chủ quyền và thực hiện trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng các hoạt động trái phép của Bắc Kinh ở Trường Sa "không liên quan đến quân sự hóa".
Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5 nghìn tỷ USD lưu thông mỗi năm, chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Bà Hoa cho rằng các nước quanh Biển Đông đã cố gắng làm giảm căng thẳng, song các quốc gia ngoài khu vực "lặp đi lặp lại các nhận xét sai lầm, bỏ qua thực tế và đổi trắng thay đen với động cơ xấu".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố việc tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không chống lại các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Mỹ hôm 24/5 điều tàu khu trục USS Dewey tiến vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, trong hoạt động được biết với tên gọi tự do hàng hải.
Văn Việt