Lo ngại về triển vọng của Trung Quốc đã châm ngòi cho làm sóng bán tháo mạnh nhất 3 năm trên toàn cầu hồi tháng 8. Vì vậy, phiên họp các lãnh đạo tài chính 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối tuần qua đã tập trung vào nỗ lực của Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Tại đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) - Zhou Xiaochuan cũng cho biết biến động trên thị trường chứng khoán đang dần chấm dứt. Sự can thiệp của Chính phủ đã ngăn được rủi ro hệ thống và khả năng thị trường rơi tự do.
"Chúng tôi cho rằng nó đã gần chấm dứt rồi. Theo một mặt nào đó, đòn bẩy tài chính trên thị trường đã giảm đáng kể và sẽ không có rủi ro hệ thống", Zhu Jun - Trưởng bộ phận quốc tế tại PBOC cho biết. Bà cũng nhấn mạnh việc hạ giá NDT tháng trước không nhằm mục đích giành lợi thế xuất khẩu trước các nước khác.
Chứng khoán Trung Quốc sáng nay đã tăng 0,9%, tính đến 11h (giờ Hà Nội). Topix (Nhật Bản) cũng nhích lên 0,43% và Kospi (Hàn Quốc) cũng lên 0,16%.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đang cố gắng chuyển hướng đà tăng trưởng dựa vào vay nợ sang mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Hầu hết quốc gia G20 chấp nhận kế hoạch này.
"Trung Quốc chắc chắn đang cố gắng đóng vai trò tích cực. Họ hiện là nền kinh tế lớn nhì thế giới. Vì thế, khi nước này tăng trưởng chậm lại, toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều chúng ta đang phải giải quyết", Bộ trưởng Tài chính Canada - Joe Oliver cho biết.
Thách thức với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là đảm bảo thị trường bình ổn nếu các số liệu kinh tế tiếp tục đi xuống. Báo cáo xuất khẩu tháng 8 của Trung Quốc sẽ công bố trong tuần này cũng được dự báo bi quan.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc hôm nay cũng điều chỉnh số liệu tăng trưởng năm 2014, từ 7,4% xuống 7,3%. Thay đổi chủ yếu do lĩnh vực dịch vụ, với mức tăng giảm từ 8,1% xuống 7,8%.
JPMorgan Chase và nhiều công ty khác đã giảm dự báo tăng trưởng năm nay của Trung Quốc, từ 7% trước đó xuống 6,9%. "Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế sẽ giúp Trung Quốc đạt tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, sự suy yếu của các lĩnh vực truyền thống sẽ tiếp tục lấn át sự tăng tốc của các lĩnh vực mới trong quá trình chuyển dịch", JPMorgan Chase nhận xét.
Hà Thu (theo Bloomberg)