Theo dự đoán của hãng môi giới CLSA Asia Pacific Markets, hàng xa xỉ sẽ trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong vòng 10 năm tới tại Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 20%. Giới phân tích nhận định, thị trường hàng xa xỉ tại Trung Quốc đem lại nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
"Khách hàng giàu có sẽ không giảm chi tiêu vào hàng xa xỉ bất chấp suy thoái kinh tế, bởi nó không mấy ảnh hưởng đến khối tài sản kếch sù của họ", Aaron Fischer, trưởng nhóm nghiên cứu tiêu dùng tại công ty môi giới CLSA nhận xét.
Hàng xa xỉ đang là cơ hội đầu tư lớn vì số lượng người giàu Trung Quốc đang tăng lên. |
Ông Fischer dự đoán khách hàng Trung Quốc đại lục và Hong Kong sẽ chiếm 44% tổng doanh số hàng xa xỉ trên toàn cầu vào năm 2020. Theo thống kê của CLSA, trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh thu tại Trung Quốc đại lục chiếm một phần ba tổng doanh thu toàn cầu của Prada và Gucci.
Còn tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sĩ) thì tính toán số người giàu tại đất nước đông dân nhất thế giới có thể đạt 2,4 triệu người vào năm 2016, gấp đôi so với hiện nay.
Ông Erwan Rambourg, trưởng nhóm nghiên cứu Tiêu dùng và Bán lẻ toàn cầu tại HSBC, cho biết 75% các xa xỉ phẩm được bán ra tại Trung Quốc là cho những khách hàng mua lần đầu. "Điều này có nghĩa là thị trường hàng xa xỉ tại Trung Quốc vẫn chứa đầy tiềm năng", ông nói.
Ngoài việc mua đồ xa xỉ trong nước, người dân Trung Quốc đại lục và Hong Kong cũng còn là những tín đồ mua sắm khi đi du lịch nước ngoài. Ông Rambourg cho biết các nhà đầu tư không thể bỏ qua điều này. "Du khách Trung Quốc chiếm 25% trong tổng doanh số bán hàng của một số thương hiệu xa xỉ lớn tại châu Âu", ông Rambourg nói.
Theo báo cáo của HSBC, trong năm 2010, dân châu Á (không tính Nhật Bản) chiếm 40-50% tổng doanh số bán hàng của Cartier và Gucci.
Bà Anne Le Borgne, giám đốc đầu tư tại Amundi Global Luxury & Lifestyle Fund tin tưởng rằng xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc cả ở trong và ngoài nước sẽ vẫn được duy trì, kể cả khi tăng trưởng kinh tế nước này chậm lại. "Người Trung Quốc luôn sẵn sàng chi tiền cho những món đồ đắt tiền để chứng tỏ sự giàu có của mình. Kể từ năm 2003, tăng trưởng tiêu dùng hàng xa xỉ ở nước này luôn ở mức khoảng 30% một năm, và vẫn duy trì kể cả trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008", bà Le Borgne cho biết.
Tuyến Nguyễn (theo CNBC)