Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/5 cho biết trong buổi triệu Đại sứ Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông nói rằng Tokyo đã hợp tác với các nước G7 "trong các hoạt động và tuyên bố chung nhằm bôi nhọ, tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo các vấn đề nội bộ Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế cũng như tinh thần 4 văn kiện chính trị giữa hai bên", đề cập Tuyên bố chung Trung - Nhật năm 1972.
Theo ông Tôn, hành động của Nhật Bản gây bất lợi cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
"Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối hành động này", ông Tôn nói. "Nhật Bản nên điều chỉnh cách hiểu về Trung Quốc, nắm bắt quyền tự chủ chiến lược, tuân thủ nguyên tắc của 4 văn kiện chính trị giữa Trung Quốc - Nhật Bản và thực sự thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương với thái độ xây dựng".
G7 gồm các quốc gia công nghiệp tiên tiến Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy. Trong tuyên bố chung được công bố ngày 20/5, các lãnh đạo G7 cho hay họ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, "phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép".
G7 cảnh báo Trung Quốc về hoạt động "quân sự hóa" ở Biển Đông, tái khẳng định hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là "rất cần thiết" với an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình cho căng thẳng ngày càng tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan. G7 cũng bày tỏ lo ngại về tình hình Tây Tạng, Tân Cương.
Đây là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 nhắm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong tuyên bố chung trong hội nghị cách đây hai năm ở Anh. Các lãnh đạo G7 khẳng định "sẵn sàng xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc", nhưng cũng cho rằng việc "đề cập thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Bắc Kinh" là rất quan trọng.
Tuyên bố chung tại Hiroshima là kết quả đàm phán giữa các quốc gia thành viên G7 có cách tiếp cận khác nhau về ứng phó Trung Quốc. Một số nước, trong đó có Mỹ, ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn, trong khi các quốc gia châu Âu muốn tránh leo thang đối đầu.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)