Đây là nhận định của ông Patrick Koller, Giám đốc điều hành Forvia hôm 4/1 tại triển lãm CES ở Las Vegas (Mỹ). Forvia là nhà cung cấp linh kiện phụ tùng lớn thứ 7 thế giới cho ngành công nghiệp ôtô và có 80 đối tác hãng xe toàn cầu.
Patrick Koller cho rằng giá thành sản xuất xe điện của Trung Quốc là một lợi thế vượt trội, gây áp lực lên các nhà sản xuất châu Âu tại chính thị trường nội địa của họ. Theo ông, nước này đang sản xuất "những chiếc xe tốt" và châu Âu sẽ không thể ngừng nhập khẩu.
Lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất của Trung Quốc đe dọa châu Âu hơn là Mỹ do thuế quan cao đã hạn chế thị phần của ôtô nước này tại Mỹ, theo ông Patrick Koller .
Giá bán trung bình của một chiếc xe điện ở châu Âu đã tăng từ 48.942 euro vào 2015 lên 55.821 euro hiện tại. Xu hướng cũng diễn ra tương tự tại Mỹ, với thay đổi từ 53.038 lên 63.864 euro trong cùng giai đoạn. Tuy nhiên, xu hướng ngược lại ở Trung Quốc, nơi giá một chiếc xe điện đã giảm từ 66.819 euro xuống chỉ còn 31.829 euro, theo nghiên cứu của JATO Dynamics.
Koller cho biết các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể sản xuất xe với chi phí thấp hơn vì họ có chi phí nghiên cứu và phát triển, mức chi tiêu vốn thấp và chi phí lao động rẻ hơn so với các đối thủ ở châu Âu.
Forvia được thành lập khi nhà cung cấp ôtô Pháp Faurecia nắm 82% quyền kiểm soát nhà cung cấp Hella của Đức. Tập đoàn này hiện cũng bán linh kiện cho nhiều nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, bao gồm cả BYD.
Châu Âu tương đối cởi mở với xe nhập khẩu từ Trung Quốc và các nhà sản xuất xe nước này cũng như Tesla đang gấp rút khai thác thị trường. Khác với quan niệm hàng Trung Quốc có chất lượng thấp, các hãng xe điện nước này đã nhận được xếp hạng an toàn năm sao từ các cơ quan quản lý châu Âu.
Trung Quốc chiếm khoảng 5,8% thị phần xe điện của châu Âu, theo Inovev, công ty tư vấn ôtô của Pháp. Thị phần này được dự đoán sẽ tăng mạnh trong những năm tới khi các thương hiệu Trung Quốc tung ra nhiều mẫu xe giá rẻ hơn. Ngược lại, mức thuế cao tại Mỹ đối với ôtô do Trung Quốc sản xuất cho đến nay đã khiến thị phần của nước này tại đây không đáng kể.
Ông Koller cho biết nhu cầu ôtô toàn cầu vào năm 2023 là không chắc chắn. Việc chấm dứt xung đột Ukraine sẽ nâng cao triển vọng, nhưng nếu nó kéo dài và sâu sắc hơn có thể tạo ra một kịch bản "đen tối hơn nhiều".
Phiên An (theo Reuters)