"Giới chức phải xem xét cách giải quyết vấn đề tỷ lệ hiệu quả của các loại vaccine hiện có không cao", giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc phát biểu tại hội nghị ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên hôm 10/4.
Phát biểu của ông Cao đánh dấu lần đầu tiên một chuyên gia hàng đầu Trung Quốc công khai ngụ ý hiệu quả tương đối thấp của vaccine nước này, dù Bắc Kinh đi trước trong chiến dịch tiêm chủng đại trà và xuất khẩu vaccine khắp thế giới.
Theo ông, một lựa chọn khác để khắc phục vấn đề hiệu quả là đan xen sử dụng các liều vaccine ứng dụng công nghệ khác nhau. Đây cũng là lựa chọn mà các chuyên gia y tế nước ngoài đang nghiên cứu.
Ông Cao cho rằng không nên chỉ vì đã có vaccine trong nước mà bỏ qua vaccine công nghệ mRNA (thông tin di truyền). Hiện không có loại vaccine nào đã được phê duyệt ở Trung Quốc là vaccine mRN. Những vaccine sử dụng công nghệ này bao gồm Pfizer và Moderna.
Trung Quốc đã phê duyệt 4 loại vaccine Covid-19, song hiệu quả vẫn đứng sau các đối thủ Pfizer-BioNTech và Moderna, hai vaccine có tỷ lệ lần lượt là 95% và 94%.
Trước đó, Sinovac của Trung Quốc cho biết các thử nghiệm ở Brazil cho thấy hiệu quả khoảng 50% trong ngăn ngừa lây nhiễm và 80% trong ngăn ngừa ca cần can thiệp y tế. Vaccine của Sinopharm có tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 79,34% và 72,51%, trong khi hiệu quả của CanSino's là 65,28% sau 28 ngày.
Trung Quốc đã tiêm khoảng 161 triệu mũi kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng năm ngoái. Các loại vaccine của Trung Quốc đều cần tiêm hai mũi và nước này đặt mục tiêu tiêm đủ mũi cho 40% trong 1,4 tỷ dân vào tháng 6. Tuy nhiên, nhiều người chậm đăng ký tiêm phòng do cuộc sống phần lớn trở lại bình thường ở Trung Quốc và các đợt bùng phát trong nước đang được kiểm soát.
Ông Cao từng nhấn mạnh cách tốt nhất để ngăn chặn Covid-19 lây lan là tiêm chủng. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% đến 80% dân số từ cuối năm nay đến giữa năm 2022.
Các nhà khoa học Anh hồi tháng 2 bắt đầu thử nghiệm tiêm lẫn vaccine Covid-19 của cả Pfizer và AstraZeneca để nhanh chóng ngăn ngừa biến thể virus đang lây lan mạnh mẽ. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine của Pfizer trước, sau đó đến AstraZeneca trong liều thứ hai hoặc ngược lại, cách nhau từ 4 đến 12 tuần.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thử kết hợp hai vaccine được điều chế theo phương pháp khác nhau. Dữ liệu ban đầu dự kiến công bố vào khoảng tháng 6.
Huyền Lê (Theo AFP)