Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc cho biết, 17 tổ chức tài chính sẽ góp cổ phần vào công ty này. Trong đó, bộ phận quản lý tài sản của nhóm 5 ngân hàng lớn nhất nước, mỗi đơn vị sẽ đóng góp 1 tỷ NDT, tương đương 8,97% cổ phần. Ngoài ra, công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc – Citic Securities, Taikang Life Insurance; và công ty đầu tư thuộc Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước cũng sẽ tham gia.
Trung Quốc sắp sửa đối mặt với cuộc khủng hoảng hưu trí khi tốc độ già hoá dân số tại nước này tăng, trong khi đó, nhóm người trong độ tuổi lao động cùng tỷ lệ sinh giảm, theo kết quả điều tra dân số 10 năm công bố một lần hồi tháng 5.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc sẽ mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí quốc gia cơ bản do chính quyền địa phương quản lý; đồng thời, khuyến khích phát triển lĩnh vực hưu trí tư nhân, tăng tuổi nghỉ hưu, theo kế hoạch được công bố vào tháng 7.
Tài liệu của Citic Securities trước đó đã cung cấp cho giới phân tích một số manh mối về kế hoạch của Chính phủ. Cụ thể, 2 công ty đã kết nối với đơn vị môi giới này để ký kết thoả thuận với 15 tổ chức khác, nhằm thành lập liên doanh bảo hiểm.
Hồ sơ cho thấy, công ty đang chờ cấp phép này sẽ quản lý các quỹ hưu trí thương mại, bảo hiểm y tế ngắn và trung hạn, bảo hiểm nhân thọ và các quỹ uỷ thác bằng đồng nội tệ hoặc ngoại tệ cho mục đích hưu trí.
Giới phân tích dự báo công ty hưu trí quốc gia Trung Quốc sẽ đóng vai trò mới trên thị trường hưu trí cạnh tranh.
Trung Quốc đang vận hành hệ thống lương hưu với 3 trụ cột trong đó chủ đạo là "trụ cột thứ nhất" do nhà nước quản lý, chiếm 82,9% tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí ở nước này. "Trụ cột thứ hai" là các quỹ được chủ sử dụng lao động đóng góp cố định hàng năm, gồm 13 ngân hàng và công ty bảo hiểm. Trụ cột còn lại đang ở giai đoạn non trẻ, nhưng có tiềm năng tăng trưởng khi Trung Quốc đẩy mạnh hưu trí tư nhân.
Đức Minh (Theo Caixinglobal)