China Daily đưa tin Trung Quốc giới thiệu phương tiện khám phá sao Hỏa tại Hội chợ Công nghiệp Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải hôm 3/11. Tàu thăm dò gồm một khối lục giác lớn có chức năng bay theo quỹ đạo và một thiết bị tự hành.
Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian Trung Quốc (CASTC), nhà sản xuất tàu thăm dò, cho biết nó có thể thực hiện tất cả chức năng cần thiết và tự hành trên hành tinh một cách chủ động.
Tàu thăm dò của Trung Quốc dự kiến khám phá sao Hỏa năm 2020 và mất khoảng 10 tháng để đến nơi. Theo Niu Shengda, chuyên gia vệ tinh tại Viện Công nghệ Không gian Thượng Hải, nó sẽ thực hiện nhiệm vụ viễn thám toàn diện (tìm hiểu bề mặt và thăm dò các lớp sâu bên trong hành tinh) và đổ bộ lên bề mặt sao Hỏa.
Giới chuyên gia nhận định thách thức lớn đối với các nhà khoa học Trung Quốc là duy trì liên lạc với Trái Đất vì khoảng cách lớn giữa hai hành tinh sẽ làm giảm khả năng truyền tín hiệu. Ở khoảng cách 400 triệu km – gấp 900 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, thời gian để tín hiệu liên lạc di chuyển giữa tàu thăm dò và Trái Đất là 40 phút.
"Tín hiệu có thể rất yếu, bị trễ hoặc gián đoạn. Con tàu phải đủ thông minh để tự kiểm soát độc lập trong nhiều tình huống, như khi mở rộng cánh để đổ bộ hoặc hãm tốc để đi vào quỹ đạo của sao Hỏa", Nui nói.
Theo CNN, thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố phát hiện dấu vết nước trên bề mặt hành tinh đỏ, làm dấy lên hy vọng tìm kiếm sự sống tại đây.
Trong cuộc đua không gian, Trung Quốc đã đưa tàu thăm dò không người lái lên Mặt Trăng cách đây hai năm. Năm 2017, quốc gia này dự định đổ bộ lên Mặt Trăng và mang các mẫu đất trở về Trái Đất. Tàu Hằng Nga 4 dự kiến hạ cánh lên vùng tối của Mặt Trăng trước năm 2020 và nếu thành công, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khu vực này.
Thùy Linh