
Mô hình tàu sân bay Liêu Ninh được trưng bày tại Công viên Quốc phòng Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CFP
Want China Times dẫn tờ Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay nước này đang chuẩn bị đóng chiếc đầu tiên trong số hai tàu sân bay dự kiến loại 001A dựa trên tàu Liêu Ninh.
Một chiếc được cho là đang được Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc đóng ở Đại Liên, còn chiếc kia có khả năng được đóng ở xưởng tàu tại Thượng Hải. Hai con tàu có trọng lượng rẽ nước khoảng 30.000 đến 40.000 tấn.
Các quan chức quân sự cho biết nước này cần "ít nhất ba tàu sân bay để hình thành một lực lượng chiến đấu cơ bản".
Trong khi đó, các nguồn tin Nga trong báo cáo cho hay ba con tàu có thể được nhập khẩu từ nước ngoài giống Liêu Ninh, tàu sân bay cũ Trung Quốc mua lại của Ukraine.
Bắc Kinh được dự đoán sẽ triển khai các hàng không mẫu hạm mới ở Biển Đông, nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia láng giềng. Sự hiện diện của các tàu sân bay cũng nhằm ứng phó với chiến lược xoay trục sang châu Á của Washington. Trung Quốc xem chiến lược này là một nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế tầm ảnh hưởng khu vực của Bắc Kinh.
Theo báo cáo trên, có một cuộc tranh luận về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các tàu sân bay tương lai đang diễn ra. Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng động cơ tuabin khí R0110 mới phát triển gần đây vào tàu sân bay nội địa đầu tiên và khai thác năng lượng hạt nhân cho chiếc thứ hai. Việc chế tạo tàu sân bay hạt nhân sẽ là một thách thức lớn với công nghệ của Trung Quốc, dù nước này có một hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớn.
Anh Ngọc