Cà phê hầu gái là mô hình du nhập từ Nhật Bản vào khoảng những năm 2010. Hiện có hàng nghìn quán kiểu này hoạt động và khá ăn khách.
Nhưng tương lai của những quán này có nguy cơ bị xóa sổ khi tòa án TP Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang tuyên bố dịch vụ này là bất hợp pháp.
Năm 2023, Viện kiểm sát thành phố Nghĩa Ô đã mở cuộc điều tra hướng vào quán cà phê hầu gái khi xảy ra một vụ tấn công tình dục. Cơ quan chức năng sau đó phát hiện hàng trăm tiệm cà phê và tiệm Internet cung cấp dịch vụ hầu gái bắt nhiều nhân viên nữ phải quỳ khi phục vụ, ép buộc massage cho khách nam. Mỗi khi có khách đến quán, họ phải hô to khẩu hiệu "chào mừng về nhà, cậu chủ".
Viện kiểm sát đã chuyển hồ sơ lên tòa án địa phương, đề nghị khởi tố với cáo buộc "coi thường và làm tổn hại đến quyền của phụ nữ trên phương diện phẩm giá con người". Chưa kể, một số doanh nghiệp địa phương đã không thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân viên nữ khỏi bị quấy rối tình dục.
Cuối năm ngoái, các doanh nghiệp ở Nghĩa Ô bị yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ hầu gái hoặc đóng cửa. Chính quyền thành phố cũng điều tra hơn 800 cơ sở khác nhau.
Ngay từ khi xuất hiện, cà phê hầu gái gây tranh cãi ở đất nước tỷ dân. Nhiều người lo ngại các dịch vụ này không bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và dễ trở thành điểm nóng của nạn quấy rối tình dục. Tuy nhiên dịch vụ này vẫn bùng nổ và thu hút sự quan tâm trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Cô Chen Qiany ở tỉnh Hải Nam nói đã chờ đợi các yêu cầu quán cà phê hầu gái phải đóng cửa từ năm 2018. Người phụ này cho rằng các quán cà phê hầu gái có thể là nơi phụ nữ được mặc định là đối tượng bị bóc lột tình dục.
"Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là giáo dục công chúng tôn trọng phụ nữ", Chen nói.
Trong một bình luận về vụ án Nghĩa Ô, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh lệnh cấm được coi là hình mẫu cho các thành phố khác trong việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm. Nhất là khi cà phê hầu gái là ngành mới, chịu ít quy định và kiểm soát cụ thể của cơ quan chức năng.
Luật bảo vệ quyền phụ nữ sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2023, đã trao quyền cho các công tố viên khi được làm rõ việc vi phạm quyền nhân phẩm cá nhân của phụ nữ là hành vi bất hợp pháp.
Theo thống kê trong năm 2023, hơn 46.000 người đã bị truy tố ở Trung Quốc vì vi phạm quyền sống, sức khỏe và nhân phẩm cá nhân của phụ nữ, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Phương (Theo SixthTone)