Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây cho biết đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng của quốc gia này thêm 100 điểm cơ bản, tương đương 1%. Động thái này được đánh giá nằm trong nỗ lực làm chậm lại sự suy giảm của nền kinh tế thứ hai thế giới, theo Reuters.
Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên của năm 2019 nhưng là lần thứ 5 kể từ đầu năm 2018.
Việc cắt giảm sẽ được thực hiện bằng hai giai đoạn, mỗi lần 0,5%, theo thông báo từ PBOC, có hiệu lực ngày 15/1 và 25/1. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang áp dụng với các ngân hàng Trung Quốc là 14,5% với các ngân hàng lớn và 12,5% với các nhà băng có quy mô nhỏ hơn.
Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong năm 2019 khi nền kinh tế thứ hai thế giới đang đối mặt với mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 và sức ép ngày càng tăng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.
Ước tính động thái mới đây của PBOC có thể giải phóng khoảng 750 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 109 tỷ USD từ các ngân hàng để bơm vào nền kinh tế. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đánh giá việc cắt giảm lần này là "hợp lý" và "vừa phải", đồng thời cho rằng chính sách tiền tệ chung sẽ không có sự thay đổi và thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ổn định.
Minh Sơn (theo Reuters, FT)