Khi NDT mất giá tuần trước, chặn đứng đà tăng của chỉ số chứng khoán S&P 500, đồng thời châm ngòi bán tháo nhiều loại hàng hóa, nhiều chính trị gia Mỹ đã nhanh chóng chỉ trích Trung Quốc là "thao túng tiền tệ" và đề cập đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ mới. Dù vậy, giới chức Trung Quốc tuyên bố họ chỉ muốn kéo sát giá NDT chính thức với giá tự do, và tác động đến quyết định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ toàn cầu của cơ quan này.
Eswar Prasad - Giáo sư Chính sách Thương mại tại Đại học Cornell nhận xét việc chuyển sang cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn sẽ tăng khả năng NDT được đưa vào Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế, hiện được tính giá trị dựa trên 4 loại tiền - USD, euro, yen Nhật và bảng Anh.
Động thái này "phù hợp với các tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang có những bước tiến chậm nhưng chắc trong việc cải tổ theo hướng thị trường, như mở cửa thị trường vốn, linh hoạt tỷ giá và thả nổi lãi suất". ông nói.
"Trung Quốc đã làm đúng những gì Bộ Tài chính Mỹ vẫn yêu cầu. Nếu có nghị sĩ Mỹ phản đối, đó là vấn đề với Chính phủ nước này, chứ không phải với Trung Quốc. Việc này sẽ giúp tăng cơ hội cho Trung Quốc tại IMF. Tôi cho rằng sự lo lắng sẽ được xóa tan trong vài tuần tới thôi", Nicholas Lardy – nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận xét,
IMF và Bộ Tài chính Mỹ từ lâu đã thúc giục Trung Quốc nới lỏng cơ chế kiểm soát tỷ giá cứng nhắc, vốn khiến đồng NDT khó biến động. IMF sẽ xem xét lại rổ tiền tệ dự trữ 5 năm một lần.
Hệ thống thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày mới của Trung Quốc sẽ dựa vào giá đóng cửa hôm trước, cung cầu ngoại hối và biến động của các đồng tiền lớn. Năm 2010, IMF đã từ chối đưa NDT vào rổ tiền dự trữ với lý do "không được sử dụng tự do". Tuần trước, cơ quan này đã nhận xét động thái của PBOC là "đáng hoan nghênh", nhưng cũng nhấn mạnh sẽ không có tác động trực tiếp lên việc xem xét của mình.
Trung Quốc đang tìm cơ hội nâng NDT thành tiền tệ dự trữ. Đây là một phần kế hoạch tăng vị thế của quốc gia này trong trật tự kinh tế toàn cầu, vốn được Mỹ thiết lập và thống trị từ sau chiến tranh thế giới. Gia nhập câu lạc bộ tiền tệ dự trữ quốc tế sẽ là thành quả đáng tự hào của Trung Quốc sau 3 thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, giúp họ trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới.
Arthur Kroeber - Giám đốc hãng nghiên cứu GaveKal Dragonomics nhận xét động thái của PBOC là rất đúng thời điểm. "Chẳng có lúc nào hợp lý hơn lúc này. Chờ đến sau cuộc họp của lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ là quá muộn để gây dựng niềm tin với IMF", ông nói.
Standard Chartered đã dự báo NDT có 80% cơ hội được đưa vào SDR giữa năm tới. Còn cuối năm nay, khả năng này là 60%. Để đạt tiêu chuẩn, quốc gia cần phải là một nước xuất khẩu lớn và tiền tệ của họ phải "được tự do sử dụng". IMF tháng này cho biết NDT vẫn còn chưa đạt nhiều tiêu chuẩn chủ chốt và còn "rất nhiều việc phải làm" để trở thành tiền tệ dự trữ. Hôm qua, cơ quan này cũng cho biết thời hạn NDT có thể được bổ sung vào SDR sẽ được lùi đến tháng 9/2016.
Theo số liệu của Bloomberg, PBOC tuần này cũng đã bơm ròng 150 tỷ NDT (23 tỷ USD) vào thị trường tài chính, thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Do các động thái can thiệp để đẩy giá NDT lên khiến cung tiền thiếu hụt và lãi suất cho vay qua đêm lên cao nhất 4 tháng.
Đây là đợt bơm tiền mạnh nhất từ tháng 2 - thời điểm nhu cầu tiền mặt lên cao do dịp Tết Nguyên đán. Giới chức nước này cũng đang bơm thêm 170 tỷ NDT nữa vào thị trường.
Hà Thu (theo Bloomberg)