Thời báo Hoàn cầu cho hay ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, tổng cục trưởng Cục Các vấn đề Biên giới và Đại dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua có cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc gia.
Trong đó, ông Âu tuyên bố hoạt động xây dựng trên các đảo và rạn hô thuộc Trường Sa "trước hết là nhằm cải thiện điều kiện làm việc và sinh sống cho các quân nhân đóng tại đây, thực thi tốt hơn những nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế liên quan" như tìm kiếm cứu hộ, phòng chống và giảm thiểu thiên tai, nghiên cứu hải dương, quan trắc khí tượng, cung cấp "các dịch vụ cho tàu Trung Quốc và các nước khác" đi qua Biển Đông.
Quan chức này công khai nhiều cơ sở hạ tầng, trong đó có đường băng, bến cảng, hệ thống viễn thông, mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Trường Sa và biện bạch là chúng cần thiết cho những mục đích trên.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua mỗi năm. Từ tháng 3/2014, Bắc Kinh ồ ạt cải tạo đất tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đánh chiếm.
Những hình ảnh được một máy bay trinh sát Mỹ ghi lại gần đây cho thấy nhiều công trình đang được xây dựng, trong đó có một đường băng đủ dài để mọi loại phi cơ cất và hạ cánh.
Thừa nhận quy mô lớn của dự án này nhưng ông Âu cho rằng "Trung Quốc là nước lớn" vì vậy có "nhiều trách nhiệm quốc tế hơn" và các hoạt động bồi đắp "không gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không" trên Biển Đông.
"Trung Quốc có quyền triển khai các cơ sở cần thiết ở các đảo và rạn san hô nhằm mục đích phòng vệ quân sự", dù các cơ sở hiện nay "chủ yếu được dùng vào mục đích dân sự", ông Âu ngang nhiên tuyên bố.
Ông này còn trắng trợn nói rằng Trung Quốc "có quyền" và sẽ thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông tùy thuộc vào tình hình an ninh không phận ở đây.
Những lần Trung Quốc cảnh cáo máy bay quân sự Philippines và Mỹ gần Trường Sa thời gian qua cho thấy Bắc Kinh đang mưu tính áp đặt một vùng đặc quyền quân sự phía trên các đảo. Trung Quốc cũng gửi công hàm phản đối phi cơ trinh sát của Mỹ và cảnh cáo máy bay Philippines không bay qua Biển Đông.
Philippines đã đệ đơn kiện tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.
Ông Âu bác bỏ thông tin rằng hoạt động bồi đắp và xây dựng ở Biển Đông là nhằm gây ảnh hưởng đến quá trình tố tụng, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc là chỉ áp dụng "cách tiếp cận song phương" để xử lý tranh chấp.
Anh Ngọc