"Chúng tôi đã thực hiện một bước đi cụ thể trong việc đảm bảo phân phối vaccine một cách công bằng, đặc biệt là cho các nước đang phát triển, đồng thời hy vọng có thêm nhiều nước đủ năng lực tham gia và hỗ trợ COVAX", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không công bố chi tiết mức độ hỗ trợ dành cho chương trình. Vào tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết cung cấp 2 tỷ USD giúp thế giới ứng phó Covid-19 trong vòng hai năm. Toàn cầu hiện ghi nhận hơn 36,7 triệu ca nhiễm và hơn một triệu người chết.
Sáng kiến COVAX đặt mục tiêu tới cuối năm 2021 cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Sau khi gia nhập, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất trong 168 nước đã tuyên bố tham gia COVAX. Mỹ và Nga đều chưa tham gia chương trình.
COVAX được dẫn dắt bởi Liên minh Vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI). Chương trình này nhằm ngăn chính phủ các nước tích trữ vaccine Covid-19, đồng thời tập trung vào việc ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm dễ gặp rủi ro nhất ở mọi quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sở hữu năng lực sản xuất vaccine Covid-19 phong phú, sẽ ưu tiên cung cấp cho các nước đang phát triển khi vaccine đã sẵn sàng. Trung Quốc có ít nhất 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và đã tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người lao động thiết yếu, hoặc thuộc nhóm được đánh giá nguy cơ cao.
Động thái của Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát từ hồi tháng 12/2019, được đưa ra trong bối cảnh nước này đang nỗ lực thuyết phục WHO cấp chứng nhận sử dụng quốc tế cho vaccine Covid-19 mà họ sản xuất. Danh tiếng toàn cầu của Bắc Kinh cũng suy giảm, khi phần lớn người dân các nước đánh giá họ ban đầu xử lý Covid-19 kém, theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố hôm 6/10.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)