Trong nghiên cứu công bố hôm 22/9 trên tạp chí Nature Biomedical Engineering, các nhà nghiên cứu đến từ công ty sinh học Qihan Bio sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR - Cas9 kết hợp một số công nghệ di truyền khác để bất hoạt porcine endogenous retroviruse (PERV), những virus có sẵn trong bộ gene lợn từ thời cổ xưa có thể gây nguy hiểm cho con người. Phương pháp này cũng tăng cường độ tương thích về miễn dịch và đông máu giữa lợn và con người, giúp giảm nguy cơ đào thải bởi cơ thể người nhận nội tạng. Những con lợn biến đổi có sinh lý, khả năng sinh sản bình thường và truyền các gene đã chỉnh sửa sang con non.
Cấy ghép từ lợn từ lâu đã được xem như giải pháp tiềm năng đối phó tình trạng thiếu nguồn cung cấp nội tạng toàn cầu cho bệnh nhân bị suy tạng vì nhiều lý do như kích thước nội tạng của lợn tương đương ở người và thời gian để chúng thuần thục tương đối ngắn, chỉ khoảng 6 tháng. Nguy cơ đào thải nội tạng do sự kém tương thích sinh học giữa nội tạng lợn và cơ thể người cũng như khả năng truyền PERV khiến ứng dụng cấy ghép lâm sàng trở nên hạn chế. Nhưng những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa gene mang lại hy vọng mới cho giới nghiên cứu.
Năm 2018, các nhà khoa học ở Munich tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực này khi cấy ghép tim lợn biến đổi gene trên 14 con khỉ đầu chó và hai con khỉ trong số đó sống sót hơn 6 tháng, lâu nhất trong số những động vật ghép tim từ loài khác. Trong nghiên cứu mới nhất, thông qua kiểm tra trong ống nghiệm, nhóm chuyên gia ở Qihan Bio nhận thấy tế bào lấy từ lợn biến đổi gene mang PERV bất hoạt và độ tương thích cao với con người có thể kháng lại biến chứng bao gồm sự đào thải từ cơ thể. Họ kết luận phương pháp chỉnh sửa gene làm tăng độ tương thích với hệ miễn dịch người cho phép cấy ghép dị chủng an toàn và hiệu quả. Cấy ghép dị chủng bao gồm ghép tế bào, mô hoặc nội tạng từ loài này sang loài khác.
Theo Luhan Yang, giám đốc điều hành Qihan Bio, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đang thử nghiệm cấy ghép nội tạng từ lợn biến đổi gene với các loài linh trưởng.
An Khang (Theo SCMP)