Hãng tin AP hôm qua đưa tin, quy định mới này được chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua từ cuối tháng 11/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1.
"Người nước ngoài, các tàu cá nước ngoài vào vùng biển do tỉnh quản lý để tiến hành các hoạt động sản xuất và điều tra tài nguyên nghề cá, phải được sự phê chuẩn của các cơ quan chủ quản liên quan thuộc Quốc vụ viện", điều thứ 35 của Quy định về việc thực hiện "Luật Nghề cá nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" viết.
Theo đó, hai triệu km vuông trên tổng số 3,5 triệu km vuông diện tích Biển Đông nằm trong phạm vi hiệu lực của quy định đơn phương này. Tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 nhân dân tệ (82.600 USD). Trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Ông Raul Hernandez, người phát ngôn bộ Ngoại giao Philippines, hôm qua cho biết cơ quan ngoại giao nước này đang tiến hành thẩm tra, xác minh các quy định mới mà Trung Quốc đưa ra.
Nhiều nhà phân tích nhận định, động thái mới này của Trung Quốc sẽ khiến tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. "Đây là một diễn biến quan trọng nhưng không phải là bất ngờ", trang tin Washington Freebeacon dẫn lời ông John Tkacik, cựu chuyên gia Trung Quốc của bộ Ngoại giao Mỹ. "Bắc Kinh đang vượt ra khỏi quy chế pháp lý mơ hồ trước đây về 'đường chín đoạn', để ban bố một biện pháp cấp tỉnh nhằm thăm dò phản ứng của các nước khác".
Ông Tkacik cũng kiến nghị các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc có thể vận dụng Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển, để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Bắc Kinh. Theo chuyên gia này, "với quy định trên, Trung Quốc rõ ràng đang xem thường công ước của Liên Hợp Quốc".
Quy định mới của Trung Quốc ra đời không lâu sau khi nước này đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hôm 23/11/2013. Vùng này bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Động thái này của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Washington, Tokyo và Seoul.
Đức Dương