Dáng người nhỏ nhắn nhưng dứt khoát, Sui Lu, vận động viên thể dục dụng cụ, từng vô địch thế giới, lọt thỏm giữa nhiều sinh viên đang tập yoga. Năm 4 tuổi, Sui được chọn để đào tạo thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Cô trở thành nhà vô địch thế giới trong môn cầu thăng bằng vào năm 2011, giành huy chương bạc tại Olympics London một năm sau đó.
Tuy nhiên, những sinh viên được Sui dẫn dắt trong căn phòng rộng rãi, thoáng mát ở Đại học Thượng Hải không nuôi dưỡng tham vọng như vậy. Lớp học của Sui là về thể dục cơ bản.
Chương trình thể dục dạy bởi cựu vận động viên là một phần trong nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thể chất của chính phủ. Chiến lược này được triển khai trong thời điểm người dân dành sự quan tâm, hứng khởi trước Olympics Bắc Kinh sắp diễn ra.
"Trước đây, mọi người không thích thể thao. Học sinh bị áp lực học tập và không có thời gian tập thể dục", Sui đưa ra nhận xét sau khi cho các em thực hiện bài tập căng cơ.

Lớp học yoga của Sui Lu. Ảnh: AFP
Từ cuối năm ngoái, chính quyền Trung Quốc yêu cầu trường học giảm bài tập, cấm dạy thêm, đồng thời đẩy mạnh giáo dục thể chất. Yêu cầu dạy thể dục tối thiểu hai giờ mỗi ngày khiến các trường phải tìm kiếm và tranh giành giáo viên có năng lực. Điều này mang đến cho Sui và các cựu vận động viên cơ hội chọn nghề nghiệp lớn hơn so với trước kia.
"Mọi người thường nghĩ các vận động viên sau khi giải nghệ chỉ có thể làm huấn luyện viên. Giờ mọi thứ đã khác", Sui nói.
Cô coi nhiệm vụ của mình không phải là tạo ra những vận động viên ưu tú, mà mong phá bỏ quan niệm của người Trung Quốc rằng thể thao chỉ dành cho một số người và rất phí thời gian với những người còn lại.
Đẩy mạnh giáo dục thể chất cho học sinh và người dân là một phần trong chiến dịch khuyến khích lối sống lành mạnh của chính quyền Trung Quốc. Tình trạng lười vận động được cho là nguyên nhân chính khiến thanh thiếu niên nước này bị béo phì, cận thị và nhiều vấn đề tâm lý khác.
Jiang Yujing, vận đông viên cầu lông từng vô địch giải trẻ thế giới vào năm 2010, đang dạy môn thể thao này tại một trường tiểu học và THCS ở Thượng Hải. Cô thấy rằng nhiều bậc phụ huynh đã nhận ra "thi cử không phải cách duy nhất để tìm kiếm thành công".
"Mọi chuyện không còn giống như trước đây nữa. Các bậc cha mẹ không còn nhất quyết cho con học thêm vào cuối tuần. Họ đã cho trẻ làm theo bản năng tự nhiên, giải tỏa căng thẳng thông qua các hoạt động thể thao", cô nói.
Một trong những học sinh của Jiang, Song Xuanchun, lớp 4, cho biết em và các bạn rất thích sự điều chỉnh tỷ lệ các môn học. "Hầu hết các bạn trong lớp em đều cảm thấy tốt hơn. Trước kia, nhiều bạn hay bị chảy máu cam hoặc bị ốm nhưng giờ không còn nữa", Song nói.
Dù vậy, một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng trên các diễn đàn trực tuyến, cho rằng chiến dịch đẩy mạnh thể thao bắt đầu rầm rộ nhưng khi kết thúc vẫn có thể gây ra thất bại. Điều này khiến trẻ em tụt hậu về học tập. Nhiều phụ huynh vẫn đang âm thầm thúc ép con cái học hành với cường độ như trước.
Hiện, quá trình đẩy mạnh hoạt động thể thao không có dấu hiệu chững lại. Một số tỉnh của Trung Quốc đang lên kế hoạch điều chỉnh tiêu chí tuyển sinh trung học, đại học, nhằm tăng tỷ trọng điểm số cho các thành tích thể thao.
Zhang Meng, hiệu phó một trường tiểu học và THCS ở Thượng Hải, cho biết trường của ông có gần 20 giáo viên dạy thể dục và vẫn tiếp tục tuyển bổ sung 6 người nữa. Gần đây, trường đã lắp đặt hệ thống chiếu sáng mới tại các khu hoạt động ngoài trời, cho phép học sinh rèn luyện sức khỏe vào buổi tối. "Theo tôi, một đứa trẻ thích thể thao sẽ tương đối khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần", Zhang nói.
Thanh Hằng (Theo SCMP)