Số liệu được Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm nay cho thấy tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,9% trong quý III, nhỉnh hơn dự báo của các nhà kinh tế học (6,7%) nhưng thấp hơn so với nửa đầu năm (7%). Giới phân tích từ lâu đã dự báo tăng trưởng Trung Quốc sẽ chậm lại trong quá trình chuyển hướng nền kinh tế sang dựa vào tiêu dùng, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Mục tiêu tăng trưởng cả năm của họ là 7% - tốc độ đã đạt được nửa đầu năm nay. 7% là con số khá thấp so với thời hoàng kim cách đây vài năm, khi nước này tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm. Dù vậy, tốc độ hiện tại cũng được đánh giá đủ mạnh để duy trì việc làm trong nước.
Trên CNN, Louis Kuijs – nhà kinh tế học tại Oxford Economics nhận xét số liệu GDP cho thấy Trung Quốc đã tránh được suy giảm sâu. Tuy nhiên, họ cần thêm các biện pháp kích thích nếu muốn duy trì tăng trưởng quanh tốc độ hiện tại.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình cũng thừa nhận lo ngại về sự suy giảm này. Trung Quốc tăng trưởng chậm đã khiến giá hàng hóa thế giới lao dốc theo, và ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này.
"Là một nền kinh tế có liên quan mật thiết đến thị trường thế giới, Trung Quốc không thể tránh khỏi xu hướng giảm chung của kinh tế toàn cầu. Chúng tôi rất lo ngại về kinh tế trong nước, và sẽ nỗ lực làm việc để giải quyết chúng", ông Tập cho biết trong một bài phỏng vấn cuối tuần trước trên Reuters.
Cuối tháng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp bàn về kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó xem xét kỹ các dấu hiệu để Bắc Kinh có thể can thiệp mạnh hơn nữa nhằm kích thích tăng trưởng.
Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện kích thích từng phần để hỗ trợ nền kinh tế và hạn chế rủi ro bên ngoài. Từ tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã 5 lần cắt giảm lãi suất, và tuyên bố với các ngân hàng họ có thể cho vay nhiều hơn nữa.
Hà Thu