Bác sĩ Zhang Xiaochun, làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, cảm thấy bất lực. Bệnh nhân của cô đã sốt suốt 9 ngày. Kết quả chụp CT cho thấy dấu hiệu viêm phổi, triệu chứng tương tự với căn bệnh đã quét qua thành phố suốt hai tháng vừa qua.
Tuy nhiên, phải mất ít nhất hai ngày để thực hiện một xét nghiệm chẩn đoán đầy đủ. Đối với bác sĩ Zhang, điều này đồng nghĩa với chậm trễ cách ly, điều trị và cứu sống bệnh nhân.
Tuần trước, bác sĩ Zhang đã khởi động một chiến dịch truyền thông xã hội khẩn cấp, kêu gọi đẩy nhanh quá trình xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân. Chiến dịch thu hút sự ủng hộ của các chuyên gia y tế công cộng tại Trung Quốc, những người cũng đang vật lộn chiến đấu với một trong những căn bệnh được coi là nguy hiểm nhất lịch sử y tế hiện đại.
Tính đến ngày 10/2, bệnh viêm phổi do nCoV đã lây lan tới hơn 40.000 người, gây tử vong cho 910 bệnh nhân. Cả hai con số đều vượt quá đại dịch SARS vào năm 2003. Phần lớn các trường hợp tử vong tại Trung Quốc được ghi nhận ở Vũ Hán.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ổ dịch Vũ Hán và các thành phố lân cận thuộc tỉnh Hồ Bắc. Bệnh viện quá tải, nguồn cung vật tư y tế khan hiếm gây ra sự chậm trễ trong chẩn đoán.
Nút thắt lớn nhất là thiếu bộ xét nghiệm axit nucleic. Theo đề xuất của bác sĩ Zhang, các cơ sở y tế trước tiên có thể dùng máy chụp CT phát hiện dấu hiệu viêm phổi và nhanh chóng trị bệnh theo triệu chứng. Cô cho biết, đây là một biện pháp tiện lợi, cho ra kết quả ngay lập tức. Thông thường, những người nhiễm virus corona bị tổn thương ở cả hai lá phổi.
Hai ngày sau bài đăng kêu gọi trên mạng xã hội của Zhang, chính phủ Trung Quốc đã ban hành 5 kế hoạch chẩn đoán và điều trị viêm phổi nCoV cấp quốc gia. Theo đó, bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc được khuyến nghị chụp CT chẩn đoán lâm sàng các trường hợp nghi nhiễm virus corona. Bước thử axit nucleic sẽ thực hiện sau đó.
Quyết định mới, có phần nhanh chóng và bất thường cho thấy những áp lực mà Trung Quốc, đặc biệt là chính quyền tỉnh Hồ Bắc phải chịu đựng.
Tiến sĩ Joe Chang, chuyên gia Khoa Ung thư bức xạ tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, thành phố Houston cho biết, việc sử dụng ảnh chụp CT để sàng lọc bệnh nhân ở Hồ Bắc là khả thi.
"Vấn đề ở đây là số lượng bệnh nhân. Chẳng quốc gia nào có thể chuẩn bị tinh thần cho con số này", ông nói.
Tại Vũ Hán, hàng nghìn người rồng rắn xếp hàng xung quanh các bệnh viện thành phố. Nhiều người bị sốt, ho và có các triệu chứng khác. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được xét nghiệm.
Yuan Xiuhua, 49 tuổi, biểu hiện sốt vào ngày 22/1 và đến bệnh viện. Kết quả chụp CT cho thấy các tổn thương ở phổi. Cô đã nhiều lần yêu cầu được xét nghiệm virus corona. Tuy nhiên cơ quan y tế địa phương cho biết hiện có quá nhiều người nghi nhiễm và khuyên cô tự cách ly ở nhà. Chồng cô gần đây cũng bị sốt và tiêu chảy.
Cô Yuan vẫn đều đặn gọi điện cho trung tâm cộng đồng để yêu cầu kiểm tra nhưng được thông báo đã hết suất khám miễn phí.
"Họ chẳng giúp được gì, chỉ bắt tôi đợi", cô nói.
Đối mặt với những chỉ trích về việc chậm trễ trong ứng phó dịch bệnh ngay những tuần đầu tiên, Bắc Kinh đã đề ra nhiều biện pháp cực đoan. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc được chỉ thị phải cho tất cả bệnh nhân viêm phổi nhập viện cách ly.
Ngày 8/2, Bí thư Thành ủy tỉnh Hồ Bắc Jiang Chaoliang cho biết sẽ tập trung nỗ lực trong hai ngày để xét nghiệm tất cả ca nghi nhiễm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố hỗ trợ 250.000 bộ kit đến 159 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, giúp các quốc gia chẩn đoán virus mới một cách nhanh chóng. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết sẽ tiến hành cách xét nghiệm mới, nhanh hơn các biện pháp trước đây.
Quá trình gửi mẫu bệnh phẩm đến phòng thí nghiệm ở Hồ Bắc mất nhiều giờ. Người dân cũng phải đợi vài ngày để nhận kết quả chẩn đoán. Một phòng thí nghiệm có thể làm 6.000 xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Song, dù các nhân viên làm việc hết công suất vẫn không thể giải quyết khối lượng công việc quá lớn. Tỉnh này đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Thục Linh (Theo NY Times)