Theo đó, 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu ngô của Trung Quốc tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu cao lương vào tháng 4 cũng tăng gấp 5 lần. Các lô hàng lúa mạch cũng tăng mạnh khi đàn lợn phục hồi sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Các nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc không phải là nơi duy nhất tăng cường thu mua ngô. Chính phủ nước này cũng đặt mua ngô từ Ukraine và Mỹ để bổ sung vào kho dự trữ nhà nước, vốn cạn kiệt sau nhiều năm xả hàng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sẽ nhập khẩu kỷ lục 26 triệu tấn ngô trong năm nay và tương tự cho năm sau.
Tuy nhiên, do tắc nghẽn tại các cảng nên nhiều nhà nhập khẩu phải đối mặt với tình trạng gia tăng chi phí trong quá trình vận chuyển. Dữ liệu theo dõi tàu hàng của Bloomberg cho biết, ít nhất hai con tàu chở ngô của Mỹ đã phải chờ đợi nhiều tuần trước khi được cập cảng hôm thứ năm (10/6).
Cụ thể, tàu Priscilla chở 71.400 tấn ngô đã neo đậu ngoài khơi cảng Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) kể từ ngày 11/5. Trong khi đó, tàu Krini, với 75.100 tấn ngô, đã chờ đợi từ ngày 16/5 gần cảng Hoàng Phố ở cùng tỉnh, trước khi được cập cảng.
Một nhà mua hàng Trung Quốc cho biết, lượng ngô đặt mua từ Mỹ của họ đã cập bến từ tháng 2 nhưng phải đợi một tháng trước khi hàng hóa được dỡ xuống tại cảng Nam Thông, phía đông tỉnh Giang Tô. Việc chờ đợi đã dẫn đến chi phí vận chuyển gia tăng đáng kể.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý các chuỗi cung ứng khi đề cập đến việc ổn định giá cả, đồng thời kêu gọi cơ quan quản lý các khu vực duy trì nguồn cung hàng hóa, từ ngô đến thịt lợn và rau.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà thu mua đậu tương nước này có các nhà máy nghiền và kho chứa đặt ngay tại cảng. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc từ ngô và kho dự trữ của chính phủ phần nhiều nằm rải rác trong đất liền.
Phiên An (theo Bloomberg)