Dân làng Fuyou, Trung Quốc trong cuộc đụng độ do tranh chấp đất đai hôm 14/10. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hội nghị Trung ương 4 diễn ra vào thời điểm nền kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, làm dấy lên nguy cơ xảy ra thêm nhiều tranh chấp.
Các biện pháp đề ra trong hội nghị phản ánh định hướng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng bất ổn trong xã hội. Một ví dụ tiêu biểu là vụ đụng độ hôm 14/10, khi dân làng ở Fuyou, Trung Quốc bắt cóc các công nhân xây dựng, trói và thiêu sống họ bằng xăng do bất bình về vấn đề đền bù đất đai.
Tranh chấp đất đai, tham nhũng, ô nhiễm môi trường là những vấn đề thường ít được tòa án giải quyết, dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người dân, đe dọa sự ổn định xã hội. Vì thế hội nghị trung ương lần này tìm cách giải quyết tình trạng trên bằng cách củng cố hệ thống tư pháp.
Theo Xinhua, các quyết định sau hội nghị này sẽ trao quyền độc lập hơn cho hệ thống tư pháp của Trung Quốc. Ủy ban Trung ương sẽ giảm bớt quyền kiểm soát của các quan chức đảng địa phương trong hệ thống pháp luật. Bắc Kinh sẽ thiết lập các tòa án lưu động để cắt đứt kết nối trực tiếp giữa các thẩm phán và các lãnh đạo đảng ở địa phương. Điều này khiến các quan chức cấp thấp khó có thể can thiệp vào thủ tục pháp lý để phục vụ cho lợi ích riêng của họ.
Cheng Li, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings ở Washington chỉ ra rằng Hội nghị trung ương 4 khẳng định đảng sẽ dẫn đầu việc cải cách hiến pháp, ngụ ý tái khẳng định sự lãnh đạo mọi mặt của đảng.
Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy việc thực thi pháp quyền và thi hành kỷ luật nghiêm ngặt trong quân đội, tập trung vào mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang mạnh mẽ để đối phó với các tình huống mới. Bắc Kinh sẽ thiết lập một hệ thống pháp luật quân sự mang đặc tính riêng của Trung Quốc, nâng cao việc thực thi pháp quyền trong quốc phòng và xây dựng quân đội. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó cũng khẳng định việc loại bỏ tham nhũng ra khỏi quân đội là ưu tiên hàng đầu.
Những biện pháp này thể hiện chương trình nghị sự ông Tập theo đuổi. Kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình, người có bằng tiến sĩ luật, tuyên bố sẽ đặt "quyền lực vào khuôn khổ của các quy định" và tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng, được nhiều người dân Trung Quốc ủng hộ.
Mặc dù Hội nghị trung ương 4 đã đưa ra những biện pháp cải cách về tư pháp, ít nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ có thay đổi chính trị đáng kể trong thời gian tới. Ông Tập hồi tháng 4 cảnh báo rằng sao chép mô hình chính trị nước ngoài có thể là một thảm họa đối với nước này.
Tuyên bố kết quả hội nghị trung ương 4 không nhắc đến biện pháp xử lý đối với một trong những cựu quan chức cấp cao nhất đang bị cơ quan đảng điều tra. Ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, đang trong quá trình bị điều tra về "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng", một cụm từ thường dùng để chỉ tội tham nhũng.
Phương Vũ