Phát ngôn viên quốc hội Phó Doanh cho biết thông tin trên tại một cuộc họp báo và con số cụ thể sẽ được công bố vào ngày mai, khi kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc khai mạc.
Theo Reuters, ngân sách quốc phòng được bổ sung bất chấp tăng trưởng kinh tế năm ngoái giảm xuống 7,4% và dự kiến sẽ còn giảm thêm trong năm nay.
Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 12,2% lên 130 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Trung Quốc đã duy trì mức tăng ngân sách hai con số liên tiếp gần hai thập kỷ, dù nhiều chuyên gia cho rằng con số thực sự phải cao hơn nhiều.
Việc Trung Quốc củng cố quân đội tạo ra bầu không khí căng thẳng trong khu vực, nhất là khi nước này đang gia tăng các hoạt động tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông.
"So với những cường quốc, con đường hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc khó khăn hơn. Chúng tôi phải tự dựa vào sức mình trong hầu hết các trang thiết bị, nghiên cứu và phát triển quân sự", bà Phó nói.
"Bên cạnh đó, chúng tôi phải tăng cường bảo vệ cho các sĩ quan và binh sĩ của chúng tôi. Nhưng cơ bản mà nói, chính sách quốc phòng của Trung Quốc mang tính chất phòng thủ. Điều này đã được định nghĩa rõ ràng trong hiến pháp. Chúng tôi sẽ không dễ dàng thay đổi định hướng và nguyên tắc này", bà nói thêm.
Trong khi Bắc Kinh giữ kín chi tiết về chi tiêu quân sự của mình, các chuyên gia nhận định số ngân sách bổ sung có thể được dùng để trang bị cho hải quân các tàu chống ngầm và phát triển thêm các tàu sân bay ngoài hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động.
"Các tàu sân bay chắc chắn sẽ nằm trong danh sách (mua sắm cho hải quân)", ông John Blaxland, chuyên viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc đại học quốc gia Australia, nói. "Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy sự gia tăng đột biến số lượng tàu ngầm, và tất nhiên mọi người đều thích tàu ngầm. Khả năng đe dọa của nó là rất khó để đánh bại".
Ngân sách cũng có thể được chi cho không gian mạng và vệ tinh, ông Blaxland suy đoán.
Quân đội Mỹ với chính sách "tái cân bằng" ở châu Á và chiến dịch trấn áp tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nằm trong những yếu tố khiến Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng.
Bắc Kinh cũng đề cập đến mối đe dọa từ các phiến quân Hồi giáo ở vùng phía tây Tân Cương và đang soạn thảo luật chống khủng bố nhằm tạo một khung pháp lý để điều quân ra nước ngoài chống khủng bố.
Anh Ngọc