Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc ngày 14/3 thông báo dự án thí điểm tận dụng năng lượng lạnh trong quá trình xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để nuôi hải sản giá trị cao tại cảng Đại Bằng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Cảng Đại Bằng tái khí hóa hơn 8 triệu tấn LNG trong năm 2023. Trong quá trình này, LNG dạng lỏng ở nhiệt độ -160°C sẽ được làm nóng bằng nước biển để hóa khí. Năng lượng lạnh từ LNG khi bốc hơi làm giảm nhiệt độ nước biển 3-5 độ C, rất thích hợp cho sự phát triển của các loài hải sản giá trị cao.
Tận dụng nguồn năng lượng lạnh này, cảng LNG Đại Bằng có thể cung cấp nguồn nước biển vô trùng ở nhiệt độ thấp liên tục, cải thiện chất lượng thịt của hải sản cao cấp, đảm bảo nguồn cung quanh năm.
Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc cho hay dự án nhằm mục đích nuôi các loại hải sản giá trị cao như tôm hùm, cá mú, bào ngư, để giảm phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung nước ngoài. Dự án cho sản lượng 50 tấn một năm, giảm 30% chi phí so với các phương pháp nuôi trồng thông thường.
"Tôm hùm trên thị trường Trung Quốc hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Dự án nhằm thay thế các sản phẩm hải sản nhập khẩu cao cấp", cơ quan này cho biết.
Dự án khởi động vào tháng 12/2022, đưa lứa cá bột đầu tiên vào nuôi dưỡng và cho thu hoạch sau hơn một năm.
Các phương pháp kỹ thuật tự động như thay đổi nhiệt độ, sục khí tập trung cũng được áp dụng để đa dạng hóa chủng loại thủy hải sản, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
"Trong nuôi trồng thủy hải sản chất lượng cao, kiểm soát nhiệt độ chiếm chi phí lớn nhất", theo cơ quan giám sát Trung Quốc.
Dự án đảm bảo nguồn cung nước lạnh ổn định, đồng thời áp dụng hệ thống tuần hoàn khoa học để tránh gây ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên của biển. Phương pháp này được đánh giá là "xanh, ít phát thải carbon và mang tính tái tạo bền vững". Năng lượng lạnh từ LNG giúp tiết kiệm 1,97 triệu kWh điện mỗi năm, giảm phát thải 1.800 tấn CO2.
Trung Quốc đang đẩy mạnh an ninh lương thực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Thị trường tôm hùm Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand.
Trung Quốc năm 2020 đã cấm nhập khẩu tôm hùm từ Australia khi quan hệ hai nước căng thẳng. Trước đó, hơn một nửa lượng tôm hùm nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Australia.
Hồng Hạnh (Theo People's Daily)