Sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Như vậy, các tòa án nhân dân cấp địa phương không còn có tiếng nói cuối cùng đối với việc đưa ra quyết định xử tử, mà phải chờ tòa án tối cao xem xét và phê chuẩn.
Chủ tịch tòa án nhân dân tối cao Xiao Yang cho biết thay đổi này tách việc xem xét án tử hình khỏi tiến trình kháng cáo của người bị kết án. Cụ thể, việc xét kháng cáo vẫn trong thẩm quyền của các tòa án cấp tỉnh. ”Đây là một bước đi quan trọng để ngăn việc kết án sai. Các bị cáo bị kết án tử hình sẽ có thêm một cơ hội để lên tiếng”, Xiao nhận xét.
Tòa án tối cao từng là cơ quan xem xét các vụ tử hình cho tới năm 1983. Khi đó, Trung Quốc mở chiến dịch chống tội phạm và bắt đầu cho phép các tòa án tỉnh quyền đưa ra phán quyết cuối cùng về các tội gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh và trật tự xã hội, như giết người, cưỡng hiếp, cướp của, và đánh bom.
Chen Xianming, Hiệu trưởng Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, nhận xét ở thời điểm giữa thập kỷ 1980, một bước đi như vậy là thích hợp để giúp đất nước giảm tỷ lệ tội phạm. Số liệu của Bộ Công an vào tháng 9/1984 cho thấy số vụ tội phạm hình sự từ tháng 1 đến tháng 8 năm đó đã giảm 31% so với năm trước.
Tuy nhiên, việc để tòa án địa phương cùng lúc thụ lý việc kháng cáo và xem xét bản án lần cuối đã gặp phải ngày càng nhiều lời chỉ trích trong những năm gần đây, vì các trường hợp oan sai.
Tòa án tối cao dự định tiếp nhận thêm các luật sư giàu kinh nghiệm và giảng viên trường luật vào các vị trí thẩm phán cấp cao để chuẩn bị cho những phiên tòa theo luật mới nói trên.
M.C. (theo Xinhua)