Chính sách mới được công bố ngày 7/1 bởi Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước, nhằm ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Các robot được trang bị khả năng tương tác cao, đồng thời tích hợp hệ thống cảnh báo sớm và phòng ngừa rủi ro, góp phần hiện đại hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Ủy ban Khoa học và Công nghệ thành phố Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch hành động đến năm 2027, tập trung vào việc triển khai robot trong các vai trò như hỗ trợ tình cảm, theo dõi sức khỏe và dịch vụ gia đình thông minh.
Tương tự, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng giới thiệu robot hỗ trợ người cao tuổi. Những robot này được trang bị công nghệ quét và mô hình hóa khuôn mặt 3D. Chúng có thể giúp nâng đỡ người già từ giường lên xe lăn, cánh tay robot giúp các cụ ăn uống, xoay tay nắm cửa.
Tại hội chợ công nghệ ở Thượng Hải năm 2023, 2024, các nhà sản xuất cũng giới thiệu các mẫu robot như Robot Walker có thể dẫn người cao tuổi di chuyển, hỗ trợ hoạt động trong nhà, nhắc nhở lịch sinh hoạt, uống thuốc, theo dõi nhịp tim, huyết áp. Robot iPal mang tính tương tác cao, giúp trò chuyện, giải trí và chơi cờ với người cao tuổi. Robot Xiao Yi - chatbot AI chuyên hỗ trợ về cảm xúc, trò chuyện với người già về các vấn đề tâm lý, sức khỏe...
Như vậy, các robot không chỉ hỗ trợ vật lý (nhắc thuốc, theo dõi sức khỏe, vận động) mà còn tương tác cảm xúc để giảm cô đơn.
Chính phủ cũng có kế hoạch thiết lập một nền tảng thông tin lão khoa thống nhất toàn quốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Nền tảng này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hợp lý hóa và nâng cao dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi.
Dân số già của Trung Quốc tăng nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2023, nước này ghi nhận 216,76 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 15,4% tổng dân số. Tuy nhiên, số viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc còn hạn chế, chỉ có 8,2 triệu giường toàn quốc.
Dân số già không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, nó là mối quan tâm ngày càng tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố tháng 5 năm ngoái lưu ý, các nước đang phát triển ở châu lục này và Thái Bình Dương chưa đủ sẵn sàng để "đảm bảo phúc lợi cho lượng dân số già hóa nhanh chóng". Số người trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi, lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 25% dân số trong khu vực.
"Sự phát triển nhanh chóng của châu Á - Thái Bình Dương là câu chuyện thành công, nhưng nó cũng tạo ra sự thay đổi nhân khẩu học rất lớn, khiến áp lực ngày càng tăng. Các chính phủ cần chuẩn bị ngay lập tức để hỗ trợ hàng trăm triệu người già trong khu vực", tiến sĩ Albert Park, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của ADB, nói.
Báo cáo cũng nêu ra các vấn đề xung quanh chế độ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chẳng hạn thiếu lương hưu, áp lực về thể chất và tinh thần mà người trên 60 tuổi phải đối mặt. Ngay cả Ấn Độ, quốc gia có lượng người trẻ đông nhất, cũng không tránh khỏi vấn đề này. Theo báo cáo được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố tháng 12/2023, dân số của nước này cũng già hóa nhanh chóng. Số người từ 60 tuổi trở lên hiện là 153 triệu người, dự kiến tăng gấp đôi, lên 347 triệu người vào năm 2050.
Thục Linh (Theo Business Standard)