Tuần qua, khi làm thủ tục xin gia hạn thẻ nhà báo, vốn có thời hạn một năm, để tiếp tục tác nghiệp tại Trung Quốc, một số phóng viên nước ngoài nhận được thư thông báo rằng đơn đăng ký của họ đang được xử lý, thay vì được cấp thẻ mới. Họ được yêu cầu mang thư trên cùng với thẻ nhà báo đã hết hạn trong khi tác nghiệp để chứng minh mình là phóng viên.
Vì thị thực Trung Quốc gắn liền với thẻ nhà báo, các phóng viên này được cấp một thị thực mới, chỉ có giá trị lưu trú trong thời gian hai tháng, trong khi thời hạn trước đây là một năm. Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng các giấy tờ chứng minh tạm thời, cũng như thị thực, có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, khiến nhiều nhà báo bị hoang mang, không chắc rằng họ có thể ở lại Trung Quốc bao lâu.
Phóng viên CNN David Culver là một trong những người bị ảnh hưởng bởi động thái mới nhất của Bắc Kinh. Hãng tin này cho hay các phóng viên bị ảnh hưởng gồm cả công dân Mỹ và không phải công dân Mỹ, làm việc tại một số hãng truyền thông lớn, trong đó có Wall Street Journal.
Giới chức Trung Quốc cho hay hạn chế thị thực mới không liên quan gì đến hoạt động đưa tin của nhà báo, mà là "biện pháp trả đũa" cách chính quyền Trump đối xử với các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ.
Người phát ngôn của CNN hôm 6/9 cũng xác nhận thị thực của phóng viên Culver bị rút ngắn. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cho biết nhân viên của họ tại Bắc Kinh đã nhận được thông báo về các biện pháp trả đũa nhắm vào truyền thông nước này.
Quyết định hạn chế thị thực này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Washington hồi tháng 5 rút ngắn thời hạn lưu trú của hầu hết các nhà báo Trung Quốc tại Mỹ xuống còn 90 ngày. Bắc Kinh cho hay không nhà báo nào của họ nhận được thông báo từ giới chức Mỹ về tình trạng đơn xin gia hạn visa mới nhất, khiến công việc và cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Nếu đơn xin gia hạn visa không được chấp thuận, các nhà báo Trung Quốc sẽ phải rời Mỹ vào đầu tháng 11, trùng với thời điểm thị thực Trung Quốc của phóng viên CNN Culver hết hạn.
Bắc Kinh hồi đầu năm nay đã trục xuất một loạt phóng viên thường trú của nhiều báo lớn của Mỹ gồm New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, sau khi chính quyền Tổng thống Trump giới hạn số phóng viên Trung Quốc ở Washington.
Washington cũng siết kiểm soát đối với các cơ quan truyền thông Trung Quốc, coi đây là các "phái bộ nước ngoài", yêu cầu phải thực thi các quy định ngoại giao như khai báo thông tin nhân viên và bất động sản với Bộ Ngoại giao Mỹ. Mọi biến động về nhân viên của các cơ quan này cũng phải được thông báo với chính phủ Mỹ. Họ cũng phải xin phép trước khi mua hoặc thuê bất động sản mới ở nước này. Trung Quốc cũng đáp trả bằng các động thái tương tự.
Quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm khi Tổng thống Mỹ Trump hành động cứng rắn với Bắc Kinh trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào 3/11. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng đối đầu bởi một loạt vấn đề như nguồn gốc nCoV, cách Trung Quốc xử lý Covid-19 và luật an ninh Hong Kong.
Mai Lâm (Theo CNN)