Chính phủ Trung Quốc hôm nay ban hành hướng dẫn mới về phòng tránh phá thai "vì mục đích phi y tế", tuyên bố sẽ thực thi các hành động để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm phòng tránh thai. Giới chức cũng đặt mục tiêu cải thiện giáo dục giới tính, tăng cường các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình sau khi phá thai và sinh con.
"Chính sách quốc gia về bình đẳng giới và nguyên tắc ưu tiên trẻ em cần được thực hiện sâu rộng", Hoàng Hiểu Vi, phó chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về phụ nữ và trẻ em thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, nói.
Giới chức y tế Trung Quốc hồi năm 2018 từng cảnh báo việc phá thai để chấm dứt tình trạng mang thai ngoài ý muốn gây tổn hại tới cơ thể phụ nữ và có nguy cơ gây vô sinh. Bắc Kinh đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn phá thai do lựa chọn giới tính.
Sau nhiều năm hạn chế gia tăng dân số, Trung Quốc đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ. Hồi tháng 6, chính phủ nước này tuyên bố cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba, đồng thời đưa ra nhiều chính sách mới nhằm giảm gánh nặng tài chính nuôi dạy con cái.
Hiện chưa rõ quyết định mới có phải là biện pháp giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc hay không. Theo các chuyên gia và nhà nghiên cứu chính sách, giảm tỷ lệ sinh sẽ gây thách thức lớn cho xã hội trong những thập kỷ tới.
Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng điều tra dân số cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số từ năm 2011-2020 ở mức chậm nhất từ năm 1950 tới nay. Dân số Trung Quốc dự kiến bắt đầu suy giảm trong vài năm tới.
Số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy Trung Quốc ghi nhận trung bình 9,7 triệu ca phá thai hàng năm trong giai đoạn 2014-2018, tăng 51% so với mức trung bình từ năm 2009-2013 dù chính sách kế hoạch hóa gia đình nới lỏng từ năm 2015. Dữ liệu không nói rõ có bao nhiêu ca phá thai vì lý do y tế.
Một số tỉnh bắt đầu siết chặt điều kiện nạo phá thai những năm gần đây. Năm 2018, tỉnh Giang Tây ban hành quy định phụ nữ mang thai hơn 14 tuần muốn phá thai phải được ít nhất ba chuyên gia y tế phê duyệt.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)