Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Thái Lan Yingluck Shinawatra trong cuộc gặp tại Thái Lan. Ảnh: AFP |
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan, đặc biệt là gạo, mở rộng đầu tư với tốc độ 15%/năm tại xứ sở chùa vàng và mở tuyến đường bay mới giữa hai nước, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu sau cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc ngày 21/11 cho biết.
Về phía Thái Lan, Thủ tướng Yingluck nói bà đã đề nghị Trung Quốc đầu tư 50 tỷ USD cho khu công nghiệp cảng nước sâu mà Thái Lan cùng phát triển với chính phủ Myanmar tại Dawei, miền nam Myanmar, cũng như các dự án đường sắt và phòng chống lũ lụt khác. Thái Lan cũng quan tâm đến việc đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô và ngành cao su của Trung Quốc.
Bà Yingluck cho biết Trung Quốc đã ký thỏa thuận mua một lượng lớn gạo dự trữ của Thái Lan, cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế nông thôn Thái Lan.
Ông Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc và Thái Lan sẽ trở thành đối tác kinh tế trong nhiều dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và hợp tác kinh tế dọc sông Mekong.
Thủ tướng Trung Quốc tiếp tục khẳng định mong muốn xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp với các nước trong khối ASEAN, trong đó có Thái Lan. Không đi vào chi tiết cụ thể, không đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, ông Ôn phát biểu với các phóng viên ở Bangkok rằng "trước tình hình trong khu vực ngày càng phức tạp, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Thái Lan để phát triển và thắt chặt mối quan hệ ở cấp độ khu vực", Wall Street Journal cho hay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay việc giải ngân các khoản viện trợ cho các nước ASEAN được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia và nhóm các nước Lào, Myanmar và Campuchia.
Chuyến thăm của ông Ôn Gia Bảo tới Thái Lan diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Bangkok để thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ-Thái Lan. Các chuyến thăm này được đánh giá là để thu hút ảnh hưởng đối với quốc gia ASEAN.
Ông Ôn và Obama vừa tham dự Hội nghị ASEAN và các bên đối tác và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Campuchia. Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được bàn thảo nhiều tại các cuộc hội nghị kể trên.
Mỹ tỏ ra quan ngại về tình hình trong khu vực và ủng hộ đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc không muốn đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo tại hội nghị và muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp trên Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Trước đó, Campuchia và Philippines đã thể hiện sự bất đồng trong nội bộ ASEAN về vấn đề tranh chấp biển đảo. Thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị ASEAN tuyên bố rằng các nước đã đạt được sự nhất trí không "quốc tế hóa" Biển Đông, nhưng Tổng thống Philippines bác bỏ, nói rằng ông không đồng tình với điều đó.
Hồi tháng 7, bất đồng tương tự về việc đề cập đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, đã khiến hội nghị ngoại trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung, điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của Hiệp hội. Với nỗ lực của Indonesia, sau đó các nước trong khối đã thống nhất được một tuyên bố gồm 6 điểm về vấn đề Biển Đông, văn bản được cho là nhằm cứu vãn sự thống nhất quan điểm giữa các thành viên của khối.
Vũ Hà