Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái. Ảnh: Xinhua |
Thông tin trên được ông Li Pengde, Phó cục trưởng Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa chất Quốc gia, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc hôm nay. Ông Li cho biết sẽ tiến hành khảo sát ở những nơi "điều kiện cho phép và an toàn của đội khảo sát được đảm bảo".
Ông không cung cấp thời gian cụ thể của cuộc khảo sát nhưng cho biết sẽ tiến hành sớm nhất có thể, để cung cấp thông tin cho công việc đo vẽ bản đồ, AFP cho hay.
Các tàu hải giám của Trung Quốc thường xuyên tuần tra trong vùng nước mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền của họ, xung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các nhà hoạt động từ Đài Loan và Hong Kong từng tổ chức lên đảo, trong khi Nhật là quốc gia kiểm soát quần đảo trên thực tế.
Tokyo nhiều khả năng sẽ ngăn chặn nỗ lực khảo sát của chính phủ Trung Quốc. Trong quá khứ, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản đã ngăn chặn các nhà hoạt động cá nhân đặt chân lên đảo, bắt giữ một số người khi họ cắm cờ Trung Quốc lên đảo.
Khi căng thẳng ngày một gia tăng, cả hai bên đã cử những máy bay chiến đấu ra vùng trời gần quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, để ngăn chặn máy bay đối phương. Tháng trước, Nhật Bản tố cáo tàu khu trục Trung Quốc hướng radar ngắm bắn vào tàu của mình, nhưng Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc của Nhật.
Hồi tháng 1, truyền thông nhà nước của Trung Quốc dẫn lời quan chức của cơ quan bản đồ nước này công bố ý định khảo sát quần đảo. Tuy nhiên, quan chức kể trên cũng xác định "có khó khăn trong việc đổ bộ lên một số đảo vì bị chiếm đóng", mặc dù không nhắc đến đích danh Nhật Bản.
Ngoài tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á trong khu vực Biển Đông.
Vũ Hà