Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hôm 26/10 cho biết đang nghiên cứu các kế hoạch cho một "cơ chế cấu thành giá để hướng dẫn sự ổn định lâu dài của giá than trong một phạm vi hợp lý". Để triển khai, họ đã tiến hành các bước đánh giá chi phí sản xuất trung bình giúp thiết lập tỷ lệ chuẩn.
Giá than giao ngay và hợp đồng tương lai tăng từ đầu tháng trước, khi Trung Quốc bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu điện, tác động đến các ngành công nghiệp chủ chốt và có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng. Nhà chức trách can thiệp bằng cách cho tăng khai thác, giúp giá than hợp đồng tương lai hạ nhiệt một phần ba trong tuần qua.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, giá than nhiệt giảm tới 7,6% lúc 10:02 sáng (theo giờ địa phương) hôm 26/10, xuống còn 1.207 nhân dân tệ (189 USD) mỗi tấn. Đây là mức giá trong ngày thấp nhất trong gần một tháng qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng, giá than có thể tiếp tục tăng trong suốt thời gian còn lại của năm do mức tồn kho vẫn ở mức thấp và nhu cầu cao điểm mùa đông đang đến gần.
Ngoài gia tăng khai thác trong nước, Trung Quốc cũng đang tìm mua thêm than nhập khẩu từ nhiều nguồn, trừ Australia. Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác tại Commonwealth Bank of Australia cho biết nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc vẫn "khá tốt" do lượng cung ngày càng tăng từ Indonesia và Nga. Từ tháng 1 đến tháng 8, Indonesia chiếm khoảng 57% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc.
"Trung Quốc có khả năng mua nhiều than hơn của các nhà cung cấp Indonesia nhưng họ đã gần đạt công suất cao nhất", Abhinav Gupta, nhà phân tích nghiên cứu hàng khô tại công ty môi giới tàu biển Braemar ACM, đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, Trung Quốc đang cố gắng mua thêm than của Mông Cổ và Nga. Tuy nhiên, có một số áp lực cạnh tranh với khách hàng châu Âu khi đặt mua than của Nga. "Chúng tôi cũng đã thấy Trung Quốc mua nhiều than hơn từ các nhà cung cấp ở Đại Tây Dương, chẳng hạn như Mỹ và Colombia", ông Gupta cho biết.
Australia từng là nhà cung cấp than lớn cho Trung Quốc, chiếm khoảng 38% lượng than nhiệt nhập khẩu của nước này vào năm 2019. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than của Australia một cách không chính thức, do căng thẳng thương mại giữa hai nước. "Chúng tôi không nghĩ rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với than Australia vào mùa đông này", ông Vivek Dhar dự báo.
Phiên An (theo Bloomberg, CNBC)