Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tuần này sẽ khai mạc tại Bắc Kinh. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để làm trong sạch bầu trời đang bị ô nhiễm của thành phố.
Chính quyền thành phố quyết định cắt giảm giao thông và khí thải bằng cách đưa ra quy định đặc biệt, chỉ cho phép xe mang biển số chẵn hoặc lẻ lưu thông trên đường vào những ngày nhất định. Việc này đang ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân, và các xe tải chở thực phẩm cũng như các dịch vụ vận tải khác, như giao sữa tận nhà.
Các văn phòng chính phủ và trường học sẽ phải đóng cửa, tận hưởng "kỳ nghỉ APEC" trong suốt quá trình diễn ra hội nghị, nhằm giảm lưu lượng xe cộ, tạo thuận lợi cho các quan chức tham dự hội nghị. Đây là biện pháp "kiểm soát giao thông" như cánh lái xe taxi ở đây hay gọi.
Tuy nhiên, không có gì là miễn phí cả. Công chức và học sinh vẫn phải đi làm và đi học học bù vào hai ngày cuối tuần, trước và sau hội nghị.
Điều này có nghĩa là, trong một gia đình hoặc có một người làm công chức còn người kia làm tư nhân, hoặc có con học ở trường công còn đứa kia học trường tư, sẽ được nghỉ vào thời gian khác nhau, điều này dẫn tới nhiều thách thức trong việc chăm nom nhà cửa, thậm chí là nổ ra tranh cãi.
Tranh thủ cơ hội này, nhiều người giúp việc,vốn chỉ được trả lương bèo bọt, chuyên lau dọn nhà cửa và chăm nom lũ trẻ, cũng đòi nghỉ ngơi vài ngày, nhưng đều bị chủ nhà từ chối.
Thậm chí là Qu Nan, làm phục vụ tại một hội trường diễn ra APEC, đành phải cai sữa sớm cho con để hoàn thành công việc trước khi Hội nghị diễn ra.
"Tôi thực sự trân trọng cơ hội làm việc cho các VIP", cô Qu nói với Xinhua, "nhưng con tôi chưa đầy năm và vẫn đang bú mẹ".
"Đột nhiên tôi cảm thấy mình không tài nào cai sữa cho con được. Những đêm trước, mỗi khi nghĩ đến việc phải cai sữa, tôi cứ khóc suốt và nói rằng phải xa con tôi không chịu nổi. Ông xã an ủi và bảo tôi rằng: ' Đừng buồn nữa'. Anh ấy hiểu tâm trạng tôi. Tôi cho rằng ai cũng có vấn đề cá nhân cần xử lý", cô nói đầy triết lý.
Ấn tượng nhất có lẽ là kế hoạch làm "biến mất" bầu không khí ô nhiễm của Bắc Kinh bằng cách buộc cách nhà máy phải đóng cửa. Thực tế là họ phải tăng ca sản xuất để không làm ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng, điều mà giới truyền thông nhà nước gọi là "điều chỉnh sản xuất". Điều này lý giải tại sao không khí trở nên ô nhiễm nghiêm trọng hồi tháng 10.
Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm ở Bắc Kinh, bầu trời cao và trong xanh, nay trở thành mùa có bầu không khí ở mức "báo động" hay còn gọi là "ô nhiễm nghiêm trọng".
Tháng 10 vừa qua, khói bụi bao trùm Bắc Kinh, khiến người dân phải đeo khẩu trang ra đường, nhiều tuyển thủ từ chối tham gia cuộc thi marathon quốc tế ở thủ đô.
"Các nhà máy sản xuất gang thép được chính phủ thông báo từ khá lâu trước đó phải ngừng sản xuất trong thời gian diễn ra APEC, thế nên họ phải thay đổi kế hoạch sản xuất cho phù hợp", ông Xu Zhongbo, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn luyện kim Bắc Kinh trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Điều này có nghĩa la, tháng 10 bị ô nhiễm nặng nề, nhưng tháng 11 có lẽ sẽ khá hơn.
Những thiết bị lẽ ra phải tạm ngừng để bảo trì nay vẫn hoạt động, để bắt kịp tiến độ sản xuất, ông Xu nói với WSJ.
"Thông thường, do yêu cầu kỹ thuật, khoảng 80% thiết bị vận hành để sản xuất, 20% còn lại sẽ được làm vệ sinh và bảo trì", ông cho biết. "Tuy nhiên, đối với những nhà máy bị cấm hoạt động trong thời gian diễn ra APEC, họ sử dụng 100% thiết bị để sản xuất trước khi tháng 11 đến".
Một trong những quá trình gây ô nhiễm nặng nề nhất trong các nhà máy sản xuất gang thép là quy trình nung kết, "nung kết là thủ phạm gây ô nhiễm nhất, vì vậy trong những ngày vừa qua không khí mới ô nhiễm nghiêm trọng như thế", ông nói.
Nung kết thường được thực hiện sau khi máy móc được làm sạch và bảo dưỡng, nay họ bỏ qua giai đoạn đó để tăng sản lượng, ông giải thích. Kết quả là bầu không khí bị tàn phá, nhiều người mắc bệnh hô hấp và phải đeo khẩu trang.
Hồng Hạnh